Từ ngày 7/9 đến ngày 11/9, hơn 400 cán bộ lãnh đạo, công nhân và người lao động ngành giao thông vận tải đã có mặt trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh để chỉ đạo, triển khai phòng chống, khắc phục những thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.
Để thực hiện các nhiệm vụ, ngành giao thông vận tải đã huy động hàng trăm ca xe, thiết bị xe cơ giới tham gia khắc phục thiệt hại trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh. Đối với các tuyến đường huyện và đường trục xã, UBND các huyện và UBND các xã đã triển khai nhiều biện pháp để xử lý sự cố sạt lở đất tại các tuyến đường do mình quản lý.
Lãnh đạo Ban quản lý xây dựng và bảo trì hạ tầng giao thông kiểm tra thực địa
khu vực sạt lở nghiêm trọng tại đường tỉnh 250
Ông Dương Công Vĩ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thông tin: Khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền, Sở Giao thông vận tải đã tập trung chỉ đạo các đơn vị ứng phó với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, bám sát từng tuyến đường. Đồng thời, sở yêu cầu các đơn vị rà soát, xác định những vị trí có nguy cơ cao sạt lở, chủ động bố trí phương tiện, vật tư sẵn sàng bảo đảm giao thông bước một khi sự cố xảy ra.
Theo thống kê sơ bộ của ngành, tính đến hết ngày 11/9, trên tuyến quốc lộ, đường tỉnh có 136 vị trí sạt lở ta luy dương; 9 vị trí sạt lở ta luy âm; trên tuyến đường huyện sạt lở gần 200 vị trí với khối lượng sạt lở khoảng 500.000 m3 đất đá; 52 điểm, vị trí ngập nước... Ước tính tổng thiệt hại trên các công trình giao thông do bão số 3 gây ra khoảng 100 tỷ đồng.
Để bảo đảm giao thông, các đơn vị huy động 950 ca máy hót đất sạt lở trên các tuyến quốc lộ; 930 ca máy hót đất sạt lở trên các tuyến đường tỉnh với khối lượng xử lý khoảng 35.000 m3; xử lý 120 vị trí cây đổ xuống các tuyến đường giao thông. Đối với các tuyến đường huyện, đường xã, các địa phương đã huy động trên 500 ca máy để bảo đảm giao thông, khối lượng đất đá sạt lở đã xử lý khoảng 20.000 m3.
Ông Vũ Văn Vị, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dương Khánh Phát cho biết: Sau khi bão số 3 quét qua tỉnh Lạng Sơn, công ty đã huy động toàn bộ quân số, chia làm 8 tổ công tác, huy động 20 máy xúc để bảo đảm giao thông tại 7 tuyến đường tỉnh và 1 tuyến quốc lộ do đơn vị quản lý. Từ ngày 7/9 đến hết ngày 11/9, các tuyến đường tỉnh do đơn vị quản lý đã xảy ra trên 40 vị trí sạt lở lớn gây ách tắc giao thông, khối lượng đất đá sụt trượt hơn 15.000 m3. Sau khi tiếp cận hiện trường, đơn vị đã huy động 40 lượt ca máy để bảo đảm giao thông bước 1 với khối lượng đã xử lý là hơn 5.000 m3. Đặc biệt, trên đường tỉnh 250 đoạn qua xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng, đơn vị đã hoàn thành xử lý các vị trí sạt lở xong trong sáng ngày 11/9 và đặt biển cảnh báo tại Km 40+330 cấm phương tiện và người qua lại do vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm.
Trên các tuyến đường huyện, việc bảo đảm giao thông cũng được các đơn vị từ huyện đến các doanh nghiệp vào cuộc khẩn trương, quyết liệt.
Ông Nguyễn Đức Cường, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Chi Lăng cho biết: Do ảnh hưởng của bão số 3, hệ thống hạ tầng giao thông của huyện bị ảnh hưởng rất lớn với tổng khối lượng sạt lở là gần 10.000 m3 tại các tuyến đường huyện và đường xã. Hiện nay, các đơn vị nhận khoán bảo dưỡng thường xuyên đã bảo đảm thông tuyến tại tất cả các vị trí sạt lở với khối lượng đã xử lý hơn 2.000 m3.
Còn tại huyện Tràng Định, tính đến trưa ngày 11/9, các vị trí sạt lở ta luy dương và nước dâng gây chia cắt tại 4 vị trí trên đường huyện tại các xã: Chi Lăng, Tân Tiến, Kim Đồng, Hùng Sơn cũng đã được khắc phục.
Đơn vị quản lý đường bộ huy động máy xúc bảo đảm giao thông
trên đường tỉnh Đồng Bục - Đồng Mỏ
Ông Hoàng Như Bách, Phó Chủ tịch UBND huyện Tràng Định cho biết: Hiện nay việc khôi phục bảo đảm giao thông bước một trên các tuyến đường huyện, trục xã đã được các đơn vị thực hiện xong. Cụ thể, các đơn vị được giao quản lý các tuyến đường đã hót đất sạt lở ta luy dương để bảo đảm giao thông tạm thời tại 79 vị trí thuộc 10 tuyến đường huyện, khối lượng hót dọn khoảng 1.200 m3. UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến các tuyến đường để có biện pháp xử lý kịp thời bảo đảm giao thông xuyên suốt.
Đối với các vị trí bị sạt lở lớn trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, ảnh hưởng trực tiếp đến kết cấu nền, mặt và hệ thống hạ tầng bảo đảm giao thông, Sở Giao thông vận tải cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng lập báo cáo đánh giá để báo cáo UBND tỉnh cho phép đầu tư khôi phục các vị trí hư hỏng trên các tuyến đường giao thông theo quy định. Nhờ đó, đến nay, trên các tuyến quốc lộ không còn vị trí bị tắc đường do sạt lở đất. Tại các tuyến đường tỉnh, hiện chỉ còn 1 vị trí trên đường tỉnh 250 Đồng Bục - Đồng Mỏ bị tắc đường do sạt lở nghiêm trọng cả ta luy âm và ta luy dương.
Cơn bão số 3 đã gây thiệt hại rất lớn về người, tài sản của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, với sự chủ động, ngành giao thông vận tải đã và đang nỗ lực để bảo đảm giao thông thông suốt. Qua đó, góp phần quan trọng vào khôi phục sản xuất, giúp người dân vượt qua khó khăn do thiên tai gây ra./.