Ngày 28/10/2014, Bộ GTVT đã có Văn bản số 13700/BGTVT-KCHT "Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII" về việc tháo bỏ các biển tín hiệu giao thông hạn chế tốc độ xe cơ giới dưới 50 km/giờ và số liệu tai nạn giao thông liên quan đến vi phạm tốc độ của người điều khiển phương tiện.
Toàn văn Văn bản như sau:
Ngày 21/10/2014, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nhận được Văn bản số 01-PC-CVKH8 của Văn phòng Quốc hội cùng với nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh.
Về các nội dung này, Bộ GTVT xin trả lời như sau:
1. Gần đây phương tiện truyền thông có nêu ý kiến của Bộ trưởng về tháo bỏ các biển tín hiệu giao thông hạn chế tốc độ xe cơ giới dưới 50 km/giờ. Xin Bộ trưởng cho biết có thực hiện không? Nếu thực hiện thì đến bao giờ?
Theo quy định hiện hành, biển báo có quy định hạn chế tốc độ phương tiện tham gia giao thông đường bộ bao gồm biển: Tốc độ tối đa cho phép (biển này hạn chế tốc độ theo giá trị ghi trên biển), biển Bắt đầu khu đông dân cư (biển này quy định xe ô tô chở người đến 30 chỗ ngồi và xe ô tô tải có tải trọng dưới 3.500 kg hạn chế tốc độ dưới 50 km/h, các loại phương tiện khác hạn chế tốc độ dưới 40 km/h). Việc lắp đặt hoặc dỡ bỏ các loại biển báo này cần được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng nhằm bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt, đồng thời, tạo thuận lợi trong việc tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT tại các văn bản số 11907/BGTVT-KCHTGT ngày 05/11/2013 về việc “Rà soát biển báo hạn chế tốc độ trên các đoạn tuyến quốc lộ”, số 6813/BGTVT-TCĐBVN ngày 11/6/2014 về việc “Điều chỉnh biển báo hạn chế tốc độ trên quốc lộ”, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đôn đốc các cơ quan, đơn vị quản lý quốc lộ khẩn trương rà soát, điều chỉnh các biển báo tốc độ tối đa dưới 40km/h; tránh lạm dụng việc lắp đặt các biển báo hạn chế tốc độ gây bức xúc cho người tham gia giao thông. Đến thời điểm ngày 30/9/2014, kết quả thực hiện trên hệ thống quốc lộ như sau:
- Đã loại bỏ 58 biển hạn chế tốc độ bất hợp lý, thay thế 41 biển hạn chế tốc độ bằng biển cảnh báo khác;
- Điều chỉnh 118 biển hạn chế tốc độ 25, 30, 35 km/h thành biển báo 40 km/h để phù hợp với môi trường giao thông hai bên đường[1];
- Điều chỉnh 140 biển báo "Bắt đầu khu đông dân cư" để phù hợp với thực tế trên tuyến; đồng thời, rà soát, bổ sung 86 biển cảnh báo nguy hiểm, dỡ bỏ 614 biển thông tin tốc độ không phù hợp.
Trên hệ thống đường địa phương theo quy định tại Điều 37 Luật Giao thông đường bộ, thẩm quyền tổ chức giao thông (gồm cả đặt biển báo) do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định việc phân cấp cho cấp dưới thực hiện. Do đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề nghị các Sở Giao thông vận tải triển khai chỉ đạo của Bộ GTVT tại Văn bản số 6813/BGTVT-TCĐBVN để rà soát, điều chỉnh biển báo trên hệ thống đường địa phương. Đến nay, các địa phương đang triển khai thực hiện điều chỉnh biển báo trên đường đô thị, đường tỉnh, đường huyện, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2014.
Việc rà soát, điều chỉnh hệ thống báo hiệu đường bộ là việc làm thường xuyên để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình giao thông và thay đổi môi trường giao thông hai bên đường. Bộ GTVT đang tiếp tục rà soát để điều chỉnh hệ thống báo hiệu đường bộ nói chung và biển báo hạn chế tốc độ nói riêng trên hệ thống quốc lộ; đồng thời sẽ tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai việc rà soát để điều chỉnh hệ thống báo hiệu đường bộ[2].
2. Xin Bộ trưởng, với tư cách là Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, Ủy ban đã tổng kết số liệu tai nạn giao thông (TNGT) có phải thường xảy ra ở những đoạn đường hạn chế tốc độ giao thông dưới 50 km/giờ do người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm tốc độ không? Vì trên thực tế lực lượng cảnh sát giao thông thường xuyên hiện diện ở những nơi có bảng hạn chế tốc độ dưới 50 km/giờ để xử phạt nhằm hạn chế tai nạn.
Tại Điều 12 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tuân thủ quy định về tốc độ xe chạy trên đường và phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình.
Căn cứ quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008, Điều 6 Thông tư số 13/2009/TT-BGTVT ngày 17/7/2009 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông trên đường bộ trong khu vực đông dân cư như sau:
Loại xe cơ giới đường bộ
|
Tốc độ tối đa (km/h)
|
Ô tô chở người đến 30 chỗ ngồi; ô tô tải có trọng tải dưới 3.500 kg.
|
50
|
Ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; ô tô tải có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; ô tô sơ mi rơ moóc; ô tô kéo rơ moóc; ô tô kéo xe khác; ô tô chuyên dùng; xe mô tô; xe gắn máy.
|
40
|
Quy định trên để đảm bảo an toàn cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, tính mạng và tài sản của nhân dân sinh sống và làm việc dọc theo tuyến đường và công trình trên đường. Nhìn chung, các quy định về tốc độ cho phép tham gia giao thông ở Việt Nam cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, thể hiện qua số liệu dưới đây.
Quốc gia
|
Loại phương tiện vận tải
|
Tốc độ giới hạn (km/giờ)
|
Khu vực đặc biệt (trường học, công trường,..)
|
Khu vực có dân cư tập trung
|
Đường trục chính (có dải phân cách)
|
Đường cao tốc (không giao cắt)
|
Malaysia
|
Xe con
|
35
|
60
|
60-90
|
90-110
|
Xe tải
|
35
|
60
|
60-80
|
70-80
|
Xe khách/buýt
|
35
|
60
|
60-80
|
70-80
|
Mô tô
|
35
|
60
|
60-70
|
60-70
|
Anh
|
Xe con
|
32
|
48
|
96
|
112
|
Xe tải
|
32
|
48
|
64
|
96
|
Xe khách/buýt
|
32
|
48
|
80
|
112
|
Mô tô
|
32
|
48
|
96
|
112
|
Mỹ
|
Xe con
|
24-40
|
32-48
|
88-104
|
88-112
|
Xe tải
|
24-40
|
32-48
|
88-104
|
88-112
|
Xe khách/buýt
|
24-40
|
32-48
|
88-104
|
88-112
|
Mô tô
|
24-40
|
32-48
|
88-104
|
88-112
|
Việt Nam
|
Ô tô đến 30 hành khách và xe tải <3,5T
|
5 - <40
|
50
|
80
|
100 - 120
|
Ô tô trên 30 hành khách và xe tải >3,5T
|
40
|
70
|
80
|
Xe buýt, xe đầu kéo, xe chuyên dùng
|
40
|
60
|
80
|
Xe kéo rơ-moóc, xe kéo nhau
|
40
|
50
|
80
|
Mô tô
|
|
40
|
60
|
Cấm
|
Xe máy
|
|
40
|
50
|
Cấm
|
Nguồn: Luật đường bộ của Vương quốc Anh 2014, Luật đường bộ của Malaysia 2014, Giới hạn tốc độ tại một số bang ở Hoa Kỳ 2014; Thông tư số 13/2009/TT-BGTVT.
Ghi chú: Các quốc gia khác nhau, định nghĩa về loại đường trong các khu vực có thể khác nhau. Giá trị trong bảng là giá trị điển hình, trong những trường hợp đặc biệt có thể thấp hơn. Tại Hoa Kỳ, tốc độ của mỗi bang được quy định bởi chính quyền bang và có thể có tốc độ giới hạn cho ngày và đêm cho cùng một tuyến đường.
Trong thời gian từ ngày 16/11/2013 đến ngày 23/10/2014, số liệu thống kê về tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt cho thấy đã xảy ra 13.170 vụ TNGT, làm chết 5.690 người và bị thương 7.602 người. Trong đó, trên các đoạn đường có biển hạn chế tốc độ dưới 50 km/h (cả đường nội thị và đường nông thôn) xảy ra 5.958 vụ TNGT (42,5%), làm chết 1.776 người (31,2%) và bị thương 3.636 người (47,8%). Như vậy, có thể khẳng định mức độ nghiêm trọng của TNGT xảy ra tại các đoạn tuyến có quy định tốc độ dưới 50 km/h thấp hơn so với các đoạn tuyến có tốc độ trên 50 km/h.
Phân tích nguyên nhân TNGT do người điều khiển chạy quá tốc độ gây ra trên các đoạn đường quy định tốc độ dưới 50 km/h cho thấy: số vụ TNGT là 394 vụ (7% tổng số vụ), làm chết 189 người (10,6%), làm bị thương 183 người (5%).
Như vậy, tại đoạn đường qua khu vực đông dân cư, đường giao nhau, đường đang thi công, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng, đường đèo dốc nguy hiểm… phải có biển hạn chế tốc độ để cảnh báo người tham gia giao thông nhằm hạn chế TNGT đáng tiếc xảy ra.
Bộ GTVT thống nhất với ý kiến của đại biểu Quốc hội về sự cần thiết tổng kết, phân tích, đánh giá, xác định nguyên nhân và đề xuất biện pháp xử lý, khắc phục nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ nói chung và trên các đoạn tuyến hạn chế tốc độ qua khu vực đông dân cư. Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các cơ quan trực thuộc, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trang bị camera giám sát để phát hiện và xử lý vi phạm về tốc độ của phương tiện nhằm đảm bảo tính chính xác, khách quan và minh bạch, giảm áp lực cho lực lượng cảnh sát giao thông và người lái xe.
Bộ GTVT trân trọng cảm ơn ý kiến của đại biểu Quốc hội về công tác quản lý nhà nước ngành Giao thông vận tải và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của đại biểu Quốc hội trong thời gian tới./.
[1] Trong đó có 4 biển trên Quốc lộ 1, 2 biển trên Quốc lộ 2, 1 biển trên Quốc lộ 3, 2 biển trên Quốc lộ 5, 2 biển trên Quốc lộ 18, 4 biển trên Quốc lộ 38, 4 biển trên Quốc lộ 279, 7 biển trên Quốc lộ 37B, 4 biển trên Quốc lộ 21, 3 biển trên Quốc lộ 37, 2 biển trên Quốc lộ 4A, 2 biển trên Quốc lộ 4B, 4 biển trên Quốc lộ 45, 2 biển trên Quốc lộ 12C, 2 biển trên đường Hồ Chí Minh, 3 biển trên Quốc lộ 12A, 2 biển trên Quốc lộ 1C, 36 biển trên Quốc lộ 27, 2 biển trên Quốc lộ 53, 2 biển trên Quốc lộ 54, 2 biển trên Quốc lộ 91 và 26 biển trên Quốc lộ 20).
[2] Về nội dung này, Bộ GTVT đã có Văn bản số 10602/BGTVT-VP ngày 26/8/2014 trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành Lập - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh về kết quả thực hiện chủ trương rà soát biển báo tốc độ trên các tuyến quốc lộ.