* Nội dung câu hỏi:
Kính gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải!
Tôi có một thắc mắc sau rất mong Bộ trưởng trả lời và có những chỉ đạo hợp lý để người dân đỡ mất tiền bạc và công sức khi mua xe tập lái. Tôi là một giáo viên giảng dạy trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Sau bao năm chắt bóp mua được một chiếc xe con 4 chỗ. Khi mua xe này cũng chỉ có giấy tờ viết tay với nhau thôi. Vì là xe công ty tập lái ngoài Hà Nội. Sau bao lần lặn lội ra ngoài công ty để xin làm thủ tục sang tên. Cuối cùng tôi đã chính chủ. Tuy nhiên, khi đi đăng kiểm, bên đăng kiểm vẫn yêu cầu phải lắp phanh phụ vì bên đăng kiểm có giải thích là: “Xe tập lái” và họ giải thích là, nếu muốn trở về xe nguyên bản thì cần phải đi đến cơ sở có chức năng cải tạo nhờ họ làm cho. Tôi có đến một số cơ sở làm cải tạo xe, họ nói là làm như vậy thì phải mất 4 triệu đồng/xe. Tôi thiết nghĩ, khi sang tên cá nhân thì làm gì có cơ sở pháp lý nào để có thể tập lái. Và hiện nay có rất nhiều người mua phải xe giống như tôi, họ cũng làm thủ tục sang tên đầy đủ, nhưng vẫn phải lắp phanh phụ vào xe. Vì vậy tôi kính đề nghị Bộ giao thông vận tải nghiên cứu bỏ bớt những thủ tục pháp lý rườm rà. Ví dụ như trường hợp của tôi, xe của những cơ sở dạy lái khi đã bán cho cá nhân sang tên rồi thì không còn chức năng tập lái nữa và cũng không phải lắp phanh phụ cho mỗi lần đi đăng kiểm giảm bớt thủ tục hành chính và tiền bạc cho nhân dân. Tôi xin chân thành cảm ơn!
* Câu trả lời:
Hệ thống phanh là hệ thống liên quan trực tiếp đến an toàn của ô tô, việc quản lý các thay đổi cải tạo đối với hệ thống phanh là hết sức nghiêm ngặt và cần thiết; Khi cải tạo lắp bàn phanh phụ phải can thiệp vào dẫn động của hệ thống phanh chính, do đó khi tháo bàn phanh phụ phải do các cơ sở có chức năng, có kinh nghiệm thực hiện và được kiểm tra, xác nhận lại Hồ sơ phương tiện để đảm bảo hệ thống phanh của xe luôn đảm bảo an toàn theo quy định (được miễn lập hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo theo Điều 6 của Thông tư 29/2012/TT-BGTVT).