Kết quả “khiêm tốn”
Để siết chặt tình trạng xe quá tải trọng hoành hành tại các phương trong tỉnh, tháng 6/2015 Ban An toàn giao thông tỉnh đã bàn giao 04 bộ cân xách tay cho 04 huyện: Chợ Đồn, Na Rì, Ba Bể và Ngân Sơn. Việc trang bị cân xách tay phục vụ kiểm tra tải trọng xe cho các huyện này nhằm mục tiêu tạo thêm những “chốt” kiểm soát chặt tình trạng xe ô tô quá khổ, quá tải trên toàn tỉnh. Lực lượng tại chỗ của các huyện được trực tiếp tham gia kiểm soát ngay tại địa phương, xử lý triệt để tình trạng xe quá tải lưu thông trên các tuyến đường tỉnh.
CSGT huyện Ba Bể kiểm tra tải trọng xe bằng cân xách tay.
Những tưởng vấn nạn xe quá tải sẽ giảm, nhưng sau 01 năm trang bị cân tải trọng xe xách tay, kết quả kiểm tra, xử lý xe quá tải tại các địa phương lại khá “khiêm tốn”. Qua 06 tháng đầu năm 2016, huyện Ngân Sơn cân được 30 lượt phương tiện, xử lý vi phạm 01 trường hợp; huyện Chợ Đồn cân 82 lượt phương tiện, xử lý vi phạm 06 trường hợp; huyện Na Rì cân 40 lượt phương tiện, xử lý vi phạm 05 trường hợp; huyện Ba Bể cân 32 lượt phương tiện, xử lý vi phạm 22 trường hợp.
Mặc dù con số kiểm tra, xử lý của các huyện rất ít, nhưng khi lực lượng liên ngành thực hiện kế hoạch quy chế phối hợp của tỉnh lại phát hiện, xử lý nhiều vi phạm về quá tải tại các tuyến đường tỉnh (chủ yếu là tại các huyện Na Rì, Chợ Đồn, Ba Bể). Theo số liệu của Ban An toàn giao thông tỉnh, trong 06 tháng đầu năm, tổ công tác liên ngành của tỉnh đã kiểm tra tải trọng xe đối với 274 lượt phương tiện, lập biên bản vi phạm hành chính 107 trường hợp, tổng số tiền xử phạt 508 triệu đồng, yêu cầu hạ tải 877 tấn hàng hóa. Ban an toàn giao thông tỉnh nhận định: Việc sử dụng cân xách tay để kiểm tra, kiểm soát tải trọng phương tiện trên địa bàn còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Kết quả xử lý vi phạm tải trọng phương tiện chủ yếu là tại Trạm cân kiểm tra tải trọng xe lưu động số 16 trên Quốc lộ 3.
Nhiều lý do được đưa ra
Khi chưa có cân thì các huyện đều kêu khó xử lý phương tiện vi phạm quá tải vì không có trang thiết bị để kiểm tra, kiểm soát. Nhưng khi được trang bị cân xách tay để kiểm tra tải trọng xe thì mỗi huyện lại đưa ra những vướng mắc riêng.
Tại Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông 06 tháng đầu năm 2016, các địa phương được giao cân xách tay đã có những giải trình về hiệu quả của công tác kiểm soát tải trọng xe. Theo đồng chí Hà Sỹ Huân- Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn thì “Trước đây trên địa bàn huyện Chợ Đồn tình trạng xe quá tải hoành hành là do xe của các doanh nghiệp chuyên chở quặng. Nhưng thời điểm này xe ô tô chở quặng ít. Khó khăn trong công tác kiểm soát quá tải là thời gian hoạt động của xe chở quá tải không cố định, mà thay đổi giờ giấc để trốn tránh lực lượng chức năng. Khi lực lượng chức đi kiểm tra thì các chủ xe, các doanh nghiệp lại dừng hoạt động hoặc chấp hành chở đúng tải”.
Đối với huyện Ba Bể, kết quả xử lý vi phạm quá tải khá hơn so với 03 huyện được cấp cân, nhưng cũng là địa phương có tình trạng xe quá tải phổ biến. Đồng chí Nông Văn Huấn- Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể cho biết: “Huyện đã chỉ đạo quyết liệt công tác kiểm soát tải trọng xe, tuy nhiên lực lượng chức năng của huyện cũng gặp phải những chiêu bài trốn tránh sự kiểm soát như: các chủ xe thường xuyên thay đổi giờ giấc, hoạt động lén lút về ban đêm, ngày nghỉ…”.
Riêng huyện Ngân Sơn, vướng mắc được đưa ra là địa phương này có nhiều đường nhánh, lực lượng chức năng của huyện lại mỏng, khó khăn trong kiểm soát địa bàn. Hơn nữa vi phạm quá tải lại thường xảy ra trên tuyến Quốc lộ 3 qua địa bàn huyện Ngân Sơn. Theo phân cấp thì lực lượng công an huyện chỉ được tuần tra, kiểm soát các tuyến đường tỉnh trên địa bàn. Do vậy, để kiểm soát hiệu quả tình trạng xe quá tải tại địa bàn cần sự phối hợp thường xuyên, liên tục giữa các lực lượng chức năng của tỉnh như thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông tỉnh và lực lượng công an huyện.
Nhiều xe quá tải đã bị tổ công tác liên ngành phát hiện tại ĐT 257 (huyện Chợ Đồn).
Khó khăn, vướng mắc được đưa ra là vậy. Nhưng trên thực tế đang tồn tại nghịch lý khá rõ ràng: “Tỉnh làm thì phát hiện nhiều xe quá tải, còn huyện cân kiểm tra lại phát hiện rất ít”. Đây cũng chính là câu hỏi đặt ra trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện tại các địa phương được trang bị cân kiểm tra tải trọng xe.
Cần chủ động vào cuộc quyết liệt
Mặc dù cân tải trọng xe xách tay được giao cho Ban an toàn giao thông của 04 huyện, nhưng khi về địa phương thì trách nhiệm chính thuộc về lực lượng cảnh sát giao thông (Công an huyện). Trong khi đó, lực lượng chức năng tại địa phương còn mỏng, chưa chủ động, lại vừa thực hiện kiểm soát tải trọng xe, vừa thực hiện các nhiệm vụ khác của ngành. Cùng với đó là sự vào cuộc một cách thiếu quyết liệt của các cấp ngành, nhất là Ban An toàn giao thông các huyện… Đây là những nguyên nhân chính khiến công tác kiểm soát tải trọng xe bằng cân xách tay trong thời gian qua kém hiệu quả.
Tình trạng xe ô tô chở quá tải trên địa bàn tỉnh gây hư hại công trình giao thông đường bộ hiện vẫn tồn tại ở nhiều địa phương và đang diễn ra khá phức tạp. Đặc biệt, khi trạm cân lưu động số 16 chuyển về vị trí cố định mới tại Km121+100 trên QL3, thì đã xuất hiện tình trạng xe quá tải né tránh trạm cân bằng cách đi vòng qua các tuyến tỉnh lộ như: đường 254 sang huyện Định Hóa (Thái Nguyên), đường tỉnh 250, tuyến Quốc lộ 3B… Chính vì vậy, công tác kiểm soát quá tải cần phải được thực hiện quyết liệt, phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành chức năng, nhất là sự chủ động, kiên quyết ngăn chặn phương tiện vi phạm của lực lượng cảnh sát giao thông các huyện. Có như vậy, việc kiểm soát tải trọng xe trên toàn tỉnh mới được siết chặt, vấn nạn xe quá tải sẽ từng bước được ngăn chặn và xử lý triệt để./.