I. Công vụ và nguy cơ tham nhũng trong hoạt động công vụ
Ở Việt Nam, thuật ngữ công vụ được hiểu theo nghĩa rất rộng. Từ điển Tiếng Việt giải thích công vụ được hiểu là việc công, ví dụ như thi hành công vụ, hộ chiếu công vụ[1]. Với giải thích đó, có thể coi công vụ là tất cả những công việc được giao cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhà máy, xí nghiệp, hợp tác xã… trong bộ máy nhà nước, trong lực lượng vũ trang hoặc trong các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp nhằm phục vụ lợi ích của nhà nước, lợi ích chung của cộng đồng, của toàn xã hội.
Tuy nhiên, khi đề cập đến chế độ công vụ, thuật ngữ “công vụ” thường được hiểu theo nghĩa hẹp hơn và luôn gắn với việc thực thi quyền hành pháp. Trong cuốn Thuật ngữ hành chính của Viện Nghiên cứu hành chính thuộc Học viện hành chính Quốc gia và một số công trình nghiên cứu, giảng dạy pháp luật hành chính đã khái quát những quan niệm phổ biến về “công vụ”. Trong đó, có quan niệm cho rằng công vụ bao gồm các cơ quan khác nhau của Chính phủ[2] hoặc công vụ là công việc của công chức[3] hoặc công vụ là một loại lao động mang tính quyền lực nhà nước và pháp lý được thực hiện bởi đội ngũ công chức nhằm thực hiện các chính sách của Nhà nước trong quá trình quản lý toàn diện các mặt của đời sống xã hội[4]. Cũng có quan niệm cho rằng công vụ đồng nhất với hoạt động hành chính nhà nước, tức là hoạt động của cán bộ, công chức nhà nước làm việc chỉ trong các cơ quan hành chính nhà nước[5]....
Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, chưa có quy định nào giải thích thuật ngữ “công vụ”. Tuy nhiên, tại Điều 2, Luật cán bộ, công chức năm 2008 quy định: “Hoạt động công vụ của cán bộ, công chức là việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức theo quy định của Luật này và các quy định khác có liên quan”. Với quy định này, có thể hiểu công vụ là hoạt động của mọi cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và cả trong đơn vị lực lượng vũ trang…và gắn liền với việc thực thi quyền lực nhà nước, bao gồm cả quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp nhưng tập trung nhiều nhất là trong hoạt động hành chính nhà nước. Trên thực tế, đội ngũ cán bộ, công chức hành chính là lực lượng chủ yếu và trực tiếp nắm giữ quyền quản lý trên các lĩnh vực từ Trung ương đến địa phương.
Theo quy định tại Điều 1 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2007 và 2012) thì “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”. Luật phòng, chống tham nhũng cũng xác định những người có chức vụ, quyền hạn bao gồm: (i) Cán bộ, công chức, viên chức; (ii) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn - kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; (iii) Cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp của Nhà nước; cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp; (iv) Người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó[6]. Với quan niệm về hoạt động như trên và với đặc điểm về chủ thể của tham nhũng thì hoạt động công vụ có thể coi là lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng phổ biến nhất.
II. Yêu cầu đối với việc xây dựng chế độ công vụ liêm chính góp phần phòng, chống tham nhũng
Thuật ngữ "liêm chính" và “chế độ công vụ liêm chính” nhằm phòng, chống tham nhũng không phải là những thuật ngữ và vấn đề mới. Sinh thời, trong tác phẩm "Cần, kiệm, liêm, chính", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi liêm, chính là hai trong bốn đức của mỗi con người, mỗi cá nhân, đặc biệt là với cán bộ. Chữ " Liêm" được hiểu là trong sạch, không tham lam. Chữ "Chính" được hiểu là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Trong tác phẩm này, "liêm" và "chính" đã gắn liền với công tác phòng, chống tham nhũng. Người viết: "Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có “dĩ công vi tư”".
Hiện nay, thuật ngữ "liêm chính” đã được sử dụng rộng rãi, không chỉ giới hạn trong việc thực thi quyền lực nhà nước mà còn là yêu cầu đặt ra đối với cả khu vực ngoài nhà nước - khu vực tư. Từ một góc độ hoạt động của doanh nghiệp cũng có một số nghiên cứu về vấn đề “liêm chính trong kinh doanh”. Gần đây, Văn phòng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã triển khai thực hiện Chương trình hành động Thúc đẩy thực hiện liêm chính trong kinh doanh (Đề án 12). Trong lĩnh vực kinh doanh, khi nói đến liêm chính thì có một số nội dung thường được đề cập đến đó là việc xây dựng và tuân thủ các chuẩn mực, quy tắc đạo đức kinh doanh, quy tắc ứng xử trong doanh nghiệp, ứng xử của doanh nghiệp trong mối quan hệ với các cơ quan công quyền, nhu cầu và khả năng tiếp cận với các cơ quan hành chính, nhất là tiếp cận các thông tin về phòng, chống tham nhũng..…Thời gian qua, nhiều tổ chức, hiệp hội đã xây dựng các quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức trong hoạt động của các hội viên của tổ chức, hiệp hội mình (ví dụ như các chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh) cũng là những hoạt động cụ thể nhằm xây dựng chế độ liêm chính.
Từ góc độ thực thi quyền lực nhà nước, vấn đề liêm chính cũng luôn gắn hoạt động của bộ máy nhà nước, liên quan đến việc thực hiện quyền lập pháp, quyền tư pháp và đặc biệt là quyền hành pháp. Trong thực thi quyền hành pháp, một số quốc gia trên thế giới đã thúc đẩy mạnh mẽ quyết tâm xây dựng chế độ liêm chính (Integrity Regime) và coi đó là những cam kết quan trọng trong công cuộc phòng, chống tham nhũng của Chính phủ. Những cam kết đó đặt ra yêu cầu cụ thể cho cả bộ máy hành pháp vì mục tiêu dân chủ, minh bạch, trách nhiệm và thiện chí. Để đạt được mục tiêu, nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện các biện pháp gồm cả các biện pháp pháp lý và biện pháp xã hội nhằm xây dựng, áp dụng và bảo vệ những chuẩn mực về liêm chính. Ở Việt Nam, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2016, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Trong nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước, thuật ngữ liêm chính được sử dụng phổ biến hơn bằng việc đề cập đến chế độ công vụ liêm chính và gắn liền với đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là những người liên quan trực tiếp đến việc thực thi quyền hành chính. Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã đề ra mục tiêu xây dựng "đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính", và đưa ra giải pháp "Xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử nhằm bảo đảm sự liêm chính của đảng viên, cán bộ, công chức". Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 25 tháng 5 năm 2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí cũng đề ra nhiệm vụ: "Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động và bảo đảm sự liêm chính trong đội ngũ cán bộ các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử". Trước đó, thuật ngữ "liêm chính" cũng đã thể hiện tại Điều 36 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức với mục đích là "nhằm bảo đảm sự liêm chính và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức" và Điều 42 quy định về quy tắc đạo đức nghề nghiệp là nhằm "bảo đảm sự liêm chính, trung thực và trách nhiệm trong việc hành nghề". Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng năm 2020 đã xác định mục tiêu chung là: "Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, loại bỏ dần các cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả, đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính; lành mạnh hóa các quan hệ xã hội thông qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; củng cố lòng tin của nhân dân và cộng đồng quốc tế, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển". Thuật ngữ "liêm chính" cũng được nhắc lại nhiều lần trong các giải pháp của Chiến lược như: "tăng cường giáo dục liêm chính, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng", "xây dựng quy tắc đạo đức nghề nghiệp và đào tạo liêm chính cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên".
III. Một số kiến nghị về việc xây dựng chế độ công vụ liêm chính
Ngày nay, trong nhiều văn bản, tài liệu trong và ngoài nước, ý nghĩa của "liêm chính" (Integrity - được dịch từ tiếng Anh) không chỉ đơn thuần là sự cộng hợp về ngữ nghĩa chữ "liêm" và "chính" của mỗi con người, cá nhân có chức vụ, quyền hạn mà gồm nhiều yếu tố không thể tách rời và có mối liên hệ mật thiết với nhau, hình thành "chế độ liêm chính” mà trọng tâm là “chế độ công vụ liêm chính”. Trong chế độ công vụ liêm chính, vấn đề cốt lõi là ứng xử, đạo đức và văn hóa của đội ngũ cán bộ, công chức.
Để xây dựng chế độ công vụ liêm chính góp phần phòng, chống tham nhũng cần thực hiện một số giải pháp sau.
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng chế độ công vụ liêm chính.
Việc xây dựng chế độ công vụ liêm chính có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo đảm nền công vụ đạt được mục tiêu là phục vụ, kỷ cương, trung thực, trách nhiệm và phi tham nhũng. Nói cách khác, xây dựng chế độ công vụ liêm chính vừa là mục tiêu của nền hành chính và cũng là mục tiêu đặt ra đối với công tác phòng, chống tham nhũng, coi đây là một nội dung (nhóm giải pháp) quan trọng trong phòng, chống tham nhũng.
Với một chế độ công vụ liêm chính thì việc thực thi công vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức sẽ bị kiểm soát, từ đó giảm thiểu các điều kiện, cơ hội phát sinh tham nhũng. Xây dựng chế độ công vụ liêm chính trước hết phải bảo đảm sự liêm chính trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, xóa bỏ được cơ chế “xin - cho”, phân công, phân nhiệm rõ ràng, hệ thống cơ quan nhà nước được sắp xếp gọn, các thủ tục hành chính được cắt giảm để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; hạn chế người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn vì mục đích vụ lợi. Xây dựng chế độ công vụ liêm chính không chỉ là trách nhiệm từ phía nhà nước mà còn cần có sự phối hợp, tham gia của toàn xã hội. Đồng thời, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng chế độ công vụ liêm chính với tăng cường liêm chính trong kinh doanh và một số lĩnh vực khác của xã hội.
Thứ hai, xây dựng, hoàn thiện và bảo đảm thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
Trong thời gian qua, một số văn bản của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã đề cập đến quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Một số văn bản đã có quy định về quy tắc ứng xử và quy tắc đạo đức nghề nghiệp, thể hiện rõ nhất là các quy định về quyền, nghĩa vụ, đạo đức, văn hóa giao tiếp, những việc không được làm của cán bộ, công chức, viên chức tại Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức, Luật phòng, chống tham nhũng, Luật doanh nghiệp…. Tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 cho thấy dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan ở Trung ương đã ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức. Bộ Nội vụ ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương. Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp đã xây dựng và phát động thực hiện quy tắc đạo đức nghề nghiệp. ví dụ như: Hội đồng luật sư toàn quốc ban hành Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam…
Qua tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của 48.411 cơ quan, tổ chức tại các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trên cả nước 10 năm qua đã phát hiện và xử lý 3.376 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm. Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng, chống tham nhũng cũng đánh giá: Quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp đã có quy định cụ thể và quán triệt thường xuyên nhưng tình trạng vi phạm còn khá phổ biến; nhiều cán bộ, công chức, viên chức thậm chí là người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức đến việc tổ chức thực hiện; cơ chế giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm nhiều nơi còn thiếu chặt chẽ, không nghiêm, chưa tạo được ý thức tuân thủ rộng rãi các quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong hành xử của cán bộ, công chức, viên chức. Tình trạng lợi dụng truyền thống văn hóa về tặng quà, cảm ơn để biếu xén, đưa hối lộ vì động cơ vụ lợi còn khá phổ biến. Quy định và việc thực hiện quy định nộp lại quà tặng còn hình thức, thiếu khả thi, hiệu quả thấp, cần phải có quy định cụ thể chế tài xử lý và thể chế hóa bằng pháp luật....Quy định về việc nộp lại quà tặng còn hình thức, không quy định về chế tài, thiếu khả thi. Việc thực hiện quy định này chưa nghiêm, hiệu quả thấp và trên thực tế cũng rất khó kiểm soát do phụ thuộc nhiều vào tính tự giác, đạo đức của cán bộ, công chức. Từ năm 2006 - 2015 có 879 cán bộ, công chức nộp lại quà tặng với tổng giá trị 3,3 tỷ đồng; có 10 trường hợp vi phạm được phát hiện và xử lý[7].
Để khắc phục những hạn chế trên đây, cần sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống tham nhũng theo hướng quy định riêng một phần về chế độ công vụ liêm chính, trong đó có quy định chi tiết việc xây dựng và các biện pháp bảo đảm thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp theo hướng mọi hoạt động thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị đều thực hiện dựa trên quy định của pháp luật và quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; khuyến khích các hiệp hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp xây dựng các quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp áp dụng cho các tổ chức mình. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới đã quy định rõ các chuẩn mực này trong một số văn bản chuyên biệt. Ví dụ, tại Romania có 2 luật chuyên biệt quy định về quy tắc ứng xử được ban hành năm 2004 đó là "Luật về quy tắc ứng xử dành cho công chức" và "Luật về quy tắc ứng xử dành cho cán bộ hợp đồng". Ngoài ra, trong một số ngành, lĩnh vực cũng có các bộ quy tắc ứng xử riêng cho ngành, lĩnh vực đó. Tại Cộng hòa Áo bộ “Quy tắc ứng xử nhằm phòng ngừa tham nhũng trong khu vực công” cũng được ban hành năm 2008....
Thứ ba, tăng cường giáo dục liêm chính cho đội ngũ cán bộ, công chức
Từ năm 1997, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương (Khóa VIII) về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã chỉ rõ: “Một bộ phận cán bộ thoái hóa biến chất về đạo đức, lối sống, lợi dụng chức quyền để tham nhũng, buôn lậu, làm giàu bất chính, lãng phí của công; quan liêu, ức hiếp dân, gia trưởng độc đoán; có tham vọng cá nhân, cục bộ, kèn cựa địa vị, cơ hội, kém ý thức tổ chức kỷ luật, phát ngôn và làm việc tuỳ tiện, gây mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng. Đáng chú ý là những biểu hiện tiêu cực này đang có chiều hướng phát triển, làm xói mòn bản chất cách mạng của đội ngũ cán bộ, làm suy giảm uy tín của Đảng, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với chế độ”. Nghị quyết Hội nghị lần 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí tiếp tục nhận định: “Một bộ phận không nhỏ đảng viên, cán bộ, công chức suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống. Không ít cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành, kể cả cán bộ lãnh đạo cao cấp, còn thiếu gương mẫu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức; chưa đi đầu trong cuộc sống đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm”. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay đánh giá: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”. Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ cũng chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”.
Để góp phần khắc phục tình trạng trên, cần tăng cường giáo dục liêm chính cho đội ngũ cán bộ, công chức. Thời gian qua, sau 3 năm triển khai thí điểm thực hiện Quyết định 137/2009/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng (Đề án 137), Thủ tướng chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 về việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo từ năm học 2013-2014. Việc thực hiện Đề án 137 và Chỉ thị số 10/CT-TTg đã đạt được những kết quả ban đầu. Tuy nhiên, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng về phòng, chống tham nhũng cho đội ngũ cán bộ, công chức vẫn còn hạn chế, nhiều quy định chưa cụ thể. Trong thời gian tới, cần coi giáo dục liêm chính là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị và được quy định cụ thể trong Luật phòng, chống tham nhũng theo hướng xác định rõ các cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thực hiện việc giảng dạy về liêm chính và thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra việc giáo dục liêm chính trong các cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt là giáo dục liêm chính cho đội ngũ cán bộ, công chức. Trên thế giới, một số quốc gia đã thực hiện rất sáng tạo về vấn đề này, ví dụ như Nhật Bản, Trung Quốc.../.
TS. Nguyễn Tuấn Khanh
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
[1] Viện Ngôn ngữ học: Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng 2004, tr.211.
[2] Viện Nghiên cứu hành chính trách dẫn từ: Từ điển Hành chính công, William Fox và I van H. Meyer, NXB. Juta và Co.ltd Nam phi, 1966, tr.20.
[3] Viện Nghiên cứu hành chính trích dẫn từ: Mấy vấn đề về công vụ và công chức Cộng hòa Pháp (tài liệu tham khảo – lưu hành nội bộ, Trường hành chính quốc gia, 1991, tr.4.
[4] Học viện Hành chính quốc gia: Giáo trình Công vụ công chức dùng cho đào tạo Đại học Hành chính, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1997.
[5] PGS.TS. Nguyễn Cửu Việt: Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, 2013, tr.232.
[6] Khoản 3 Điều 1 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005
[7] Báo cáo số 330 /BC-CP ngày 22/9/2016 của Chính phủ Tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng