Đối thoại để hiểu dân
Thông qua hoạt động đối thoại, người giải quyết KN sẽ hiểu rõ hơn về nội dung vụ việc KN, yêu cầu của người KN để trên cơ sở đó, có hướng giải quyết KN một cách khách quan, đúng đắn.
Tầm quan trọng của đối thoại đã được nhắc đến trong Nghị quyết 39/2012/QH13 ngày 23/11/2012 như sau: “Lãnh đạo các cấp chủ động, làm tốt công tác đối thoại trực tiếp với người KN, tố cáo, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân". Chỉ thị số 35/CT-TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết KN, tố cáo cũng nêu rõ: "Người đứng đầu tổ chức Đảng, Chủ tịch UBND các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về tình hình KN, tố cáo và công tác tiếp công dân, giải quyết KN, tố cáo trong phạm vi địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Thực hiện nghiêm chế độ tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân, gắn việc tiếp công dân với xử lý, giải quyết KN, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Chú trọng tiếp công dân tại cơ sở, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân. Chủ động đối thoại, vận động, thuyết phục công dân để giải quyết, tháo gỡ triệt để khiếu kiện, bức xúc của công dân".
Nhiều trường hợp người KN khi tổ chức đối thoại với cơ quan Nhà nước đã nhận thức rõ sự việc KN của mình không đúng pháp luật nên tự nguyện rút đơn KN hoặc đối với người có thẩm quyền giải quyết KN sẽ phát hiện những quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý hoặc các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cá nhân mình là trái pháp luật, từ đó có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp đối với người KN nói riêng và đối tượng chịu sự tác động của quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật gây ra.
Mặt khác, khi người có thẩm quyền giải quyết KN tổ chức đối thoại với người KN sẽ tìm được tiếng nói chung, giúp cho việc giải quyết KN một cách hiệu quả, nhanh chóng, tránh tình trạng người KN KN tiếp. Qua tổ chức đối thoại, có thể người có thẩm quyền và người KN thỏa thuận được phương án giải quyết vụ việc KN mà không cần thiết phải ra quyết định giải quyết KN. Có rất nhiều dẫn chứng trên thực tế cho việc này.
Cụ thể như tại tỉnh Bình Phước vài năm trước đây, Chủ tịch UBND tỉnh có buổi đối thoại với 09 hộ dân ở khu phố 5, phường Long Phước để giải quyết KN của người dân trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng thuộc Dự án khu trung tâm hành chính và khu đô thị mới thị xã Phước Long. Tiếp đó là đối thoại với người dân thị xã Đồng Xoài kể cả trong ngày nghỉ và buổi tối để có thể giải quyết những kiến nghị của dân sớm nhất, đồng thời giải quyết các điểm nóng về khiếu tố đất đai trên địa bàn thuộc trách nhiêm giải quyết của UBND tỉnh(*). Có thể nói, việc đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền với cộng đồng dân cư về vấn đề liên quan đến lợi ích của họ, đồng thời lắng nghe để giải quyết các KN, kiến nghị phản ảnh nói chung nhiều khi giúp tìm ra phương hướng giải pháp xử lý tốt hơn là đi đến một quyết định cụ thể.
Quy định pháp luật về đối thoại và những khó khăn, vướng mắc
Xác định tầm quan trọng đó của hoạt động đối thoại, Luật KN, tố cáo năm 1998 và Luật KN năm 2011 đều quy định về việc đối thoại là một thủ tục trong quá trình giải quyết KN. Tuy nhiên, hai luật này có sự quy định khác nhau về việc đối thoại. Nếu như Luật KN, tố cáo năm 1998 quy định người giải quyết KN phải gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người KNi, người bị KN (Điều 37), thì Luật KN năm 2011 đã có sự thay đổi khi quy định về vấn đề này. Điều 30 của Luật KN năm 2011 quy định, đối với giải quyết KN lần đầu, nếu yêu cầu của người KN và kết quả xác minh nội dung KN còn khác nhau thì người giải quyết KN tổ chức đối thoại với người KN, người bị KN, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung KN, yêu cầu và hướng giải quyết KN. Như vậy, với quy định này, trong thủ tục giải quyết KN lần đầu, việc tổ chức đối thoại không mang tính chất bắt buộc đối với mọi trường hợp. Hoạt động này chỉ phải thực hiện trong trường hợp yêu cầu của người KN và kết quả xác minh nội dung KN còn khác nhau.
Đồng thời, để đảm bảo cho việc đối thoại trong quá trình giải quyết KN được thực hiện một cách thống nhất giữa các địa phương, các ngành, các cấp, Luật KN cũng quy định cụ thể về hoạt động này. Theo đó, trước khi tổ chức đối thoại, người giải quyết KN có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với người KN, người bị KN, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức có liên quan biết thời gian, địa điểm, nội dung việc đối thoại. Khi đối thoại, người giải quyết KN phải nêu rõ nội dung cần đối thoại, kết quả xác minh nội dung KN; người tham gia đối thoại có quyền trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ liên quan đến KN và yêu cầu của mình. Việc đối thoại phải được lập thành biên bản; biên bản phải ghi rõ ý kiến của những người tham gia, kết quả đối thoại, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người tham gia; trường hợp người tham gia đối thoại không ký, điểm chỉ xác nhận thì phải ghi rõ lý do; biên bản này được lưu vào hồ sơ vụ việc KN. Các quy định cụ thể này đã xác định rõ trách nhiệm của người giải quyết KN và quyền của các bên tham gia đối thoại. Qua đó, đảm bảo cho việc tổ chức đối thoại nói riêng, việc giải quyết KN nói chung được thực hiện với tinh thần khách quan, dân chủ; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong vụ việc KN.
Đối với thủ tục giải quyết KN lần hai, Luật Khiếu nại 2011 cũng đã khắc phục được bất cập trong quy định của Luật KN, tố cáo 1998. Theo đó, quy định về đối thoại lần hai không còn mang tính chất tùy nghi mà là thủ tục bắt buộc. Điều 39 của Luật KN quy định “Trong quá trình giải quyết KN lần hai, người giải quyết KN tiến hành đối thoại với người KN, người bị KN, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung KN, yêu cầu, hướng giải quyết của người KN”. Quy định này nhằm ràng buộc trách nhiệm của người có thẩm quyền giải quyết KN trong việc trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người KN, từ đó ra quyết định giải quyết chính xác, kịp thời.
Tuy nhiên, thời gian qua, việc thực hiện quy định về tổ chức đối thoại lần hai theo Điều 39 của Luật KN đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc nhất định. Thực tế cho thấy người giải quyết KN lần hai chủ yếu là Chủ tịch UBND cấp huyện và Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Ở một số tỉnh, thành phố, số lượng vụ việc phải giải quyết KN lần hai khá nhiều, chẳng hạn như thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. UBND hai TP này từng có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị cho phép được thực hiện cơ chế ủy quyền đối thoại trong giải quyết KN. Tuy nhiên, để bảo đảm tính pháp chế trong hoạt động giải quyết KN, tố cáo, đề nghị trên của UBND thành phố Hồ Chí Minh và cả UBND thành phố Hà Nội sau đó đều không được chấp nhận, vì điều đó trái với quy định của Luật KN. Bản thân Thông tư số 07/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 quy định người giải quyết hoặc người có trách nhiệm thẩm tra xác minh thực hiện việc đối thoại cũng đã bị cơ quan của Quốc hội lưu ý qua công tác giám sát và sau đó cũng đã phải sửa lại cho phù hợp với tinh thần của Luật KN.
Trên thực tế việc đối thoại đã được tổ chức không chỉ một lần mà có thể nhiều lần đối với những vụ việc phức tạp, đông người, nhất là liên quan đến các vụ án thu hồi đất hoặc vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong một địa bàn nhưng việc đối thoại ở đây mới chủ yếu dừng lại ở việc lắng nghe, trao đổi, ghi nhận ý kiến của những người khiếu nại chứ chưa hẳn đã là trực tiếp giải quyết vụ việc, không giống như những gì mà pháp luật hướng tới. Các cuộc đối thoại để giải quyết KN như luật quy định chỉ với thành phần nhất định và không được công khai cho nên sự giám sát của người dân đối với việc thực hiện trách nhiệm này cũng sẽ bị hạn chế.
Giải pháp nâng cao hiệu quả của đối thoại
Thực tiễn thi hành Luật KN cho thấy, việc đối thoại trong giải quyết KN là cần thiết. Tuy nhiên, việc quy định trách nhiệm chung phải trực tiếp đối thoại đối với người giải quyết KN ở mọi cấp đã bộc lộ những khó khăn vướng mắc cần sớm khắc phục. Theo chúng tôi, cần phân biệt trách nhiệm thực hiện đối thoại trong từng trường hợp cụ thể:
Một là, căn cứ vào cấp hành chính: Ở những cơ quan hành chính trực tiếp tiếp xúc và giải quyết việc của dân thì nên quy định đối thoại như là thủ tục bắt buộc. Riêng đối với người đứng đầu cơ quan quản lý theo ngành và lĩnh vực (cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương) hoặc những người đứng đầu chính quyền địa phương (Chủ tịch UBND cấp tỉnh) thì cần có quy định cho phép ủy quyền cho cấp phó của mình, người trực tiếp phụ trách công tác giải quyết KN, tố cáo thực hiện đối thoại với người KN. Quy định về trách nhiệm tổ chức đối thoại cần hết sức mềm dẻo để có thể phù hợp với tình hình thực tiễn và theo chúng tôi thì chỉ nên quy định người đứng đầu cơ quan hành chính phải đối thoại đối với khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp (như trình bày dưới đây).
Hai là, căn cứ vào tính chất và mức độ của vụ việc
Đối với những vụ việc phức tạp, đông người, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, qua nhiều thời gian, người giải quyết KN lần hai bắt buộc phải tiến hành đối thoại để đưa ra quyết định giải quyết vụ việc hoặc chỉ đạo giải quyết vụ việc (Chẳng hạn trong vụ Đồng Tâm, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã xuống tận nơi để đối thoại với người khiếu tố, nhiều vụ việc khác liên quan đến khiếu tố của người dân trong quá trình thực hiện các dự án, Chủ tịch UBND cấp tỉnh cũng đã tổ chức đối thoại với hàng trăm người dân). Như thế, sẽ đảm bảo cho việc giải quyết KN được thực hiện một cách kịp thời và khách quan, công khai, dân chủ. Cũng cần nói thêm rằng, việc đối thoại này không thể coi là một giai đoạn của quy trình giải quyết bởi vì kết quả đối thoại chỉ là việc tìm ra các hướng đi, giải pháp cho tranh chấp hành chính mà thôi.
Ba là, cần coi đối thoại như một phương châm của hoạt động giải quyết KN
Đối thoại được thực hiện trong mọi giai đoạn của quá trình giải quyết với sự tham gia của nhiều chủ thể, không chỉ là người có thẩm quyển giải quyết KN đó. Đặc biệt là đối thoại giữa người được giao trách nhiệm thẩm tra, xác minh vụ việc với người KN. Nội dung KN không chỉ nhằm làm rõ vụ việc, xác định đúng sai mà còn hướng tới tìm ra giải pháp cho tranh chấp mà người KN có thể chấp nhận để sớm chấm dứt KN và bảo đảm cho việc thi hành quyết định giải quyết. Việc đối thoại của người có thẩm quyền giải quyết chỉ nên được thực hiện khi mọi công việc chuẩn bị đã hoàn tất (sau khi có kết quả thẩm tra xác minh và các căn cứ pháp luật cho việc giải quyết đã đầy đủ) để thời gian đối thoại chủ yếu cho việc thảo luận phương án đưa ra đối với tranh chấp giữa các bên.
Bốn là, cần có quan niệm đầy đủ về người có thẩm quyền giải quyết KN để xác định người có trách nhiệm thực hiện đối thoại
Đây là vấn đề khá phức tạp. Pháp luật luôn quy định thẩm quyền giải quyết KN hành chính thuộc về người đứng đầu và như vậy chỉ có người này mới có trách nhiệm trực tiếp đối thoại trong giải quyết KN. Vì vậy, mà việc đối thoại cần phải có cơ chế ủy quyền giữa người đứng đầu và cấp phó trong việc đối thoại để “giảm tải” cho người đứng đầu đồng thời vẫn bảo đảm chất lượng cũng như giá trị pháp lý của đối thoại. Người trực tiếp đối thoại (người có thẩm quyền giải quyết hoặc cấp phó) phải là người ký quyết định giải quyết KN sau đó. Dù ai ký quyết định giải quyết thì đó cũng phải được coi là người có thẩm quyền giải quyết, không phân biệt đó là người đứng đầu hay cấp phó của người đứng đầu./.
TS. Đinh Văn Minh
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chú thích:
(*) http://www.baobinhphuoc.com.vn/Content/nang-cao-chat-luong-doi-thoai-voi-nhan-dan---bai-1-14310