Trao đổi với Báo Dân Việt, TS Đinh Văn Minh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho rằng, biểu hiện nguy hiểm nhất của tiêu cực chính là suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống, từ đó dẫn đến tham nhũng.
Tiêu cực và tham nhũng có gắn bó mật thiết với nhau nên muốn chống tham nhũng hiệu quả thì phải chống từ gốc, tức là chống những tiêu cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Chống tiêu cực tốt là ngăn ngừa tham nhũng trước một bước như vậy mới có thể trị "cả gốc lẫn ngọn" tình trạng tham nhũng.
Có thể nói tiêu cực là môi trường dung dưỡng cho tham nhũng nên phòng chống tiêu cực cũng chính là ngăn chặn từ xa mầm mống của tham nhũng.
TS Đinh Văn Minh cho rằng, một cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, tha hóa về phẩm chất đạo đức, thích hưởng lạc, sống xa hoa ắt dẫn đến xa rời điều lệ và các nguyên tắc của Đảng, sẽ gần gũi với thói xu nịnh, "chạy chức, chạy quyền", sẽ dễ dàng sa ngã trước đồng tiền "quỷ ám", thực hiện những hành vi trái với đạo đức lương tâm, vi phạm pháp luật. Hàng loạt vụ án, vụ việc gần đây cho thấy rõ điều này.
"Những kẻ tham nhũng luôn là những người hư hỏng về lối sống, ăn chơi sa đoạ, coi thường kỷ cương pháp luật và những biểu hiện tiêu cực khó có thể chấp nhận", Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ nói.
Vì vậy, theo TS Đinh Văn Minh, việc bổ sung chức năng, nhiệm vụ chống tiêu cực cho Ban Chỉ đạo là hoàn toàn đúng với chủ trương của Đảng, đó là chỉnh đốn Đảng từ khâu chính trị, đạo đức, tư tưởng và hành động; như thế công tác lãnh đạo mới có chiều sâu và thực sự có tính toàn diện.
Có thể nói tiêu cực rộng hơn tham nhũng, nó là những biểu hiện xấu xa, đi ngược lại với đạo đức con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Đạo đức là cái gốc của người cán bộ, "cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì nước cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân". Người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có đạo đức làm nền, mới hoàn thành được nhiệm vụ vẻ vang. Nếu từng cán bộ biết tự giác tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng nâng cao khả năng "miễn dịch" trước mọi cám dỗ đã là đóng góp phần thiết thực vào cuộc đấu tranh chống "giặc nội xâm".
TS Đinh Văn Minh cho rằng, Nghị quyết Trung ương 4 - khóa XII về về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ có thể coi là bước phát triển mới về luận điểm chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta.
Lần đầu tiên Nghị quyết của Đảng chỉ ra những biểu hiện cụ thể của tiêu cực, bao gồm 27 biểu hiện (9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, 9 biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống, 9 biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ). Đấu tranh chống tiêu cực chính là đấu tranh với những biểu hiện này.
Trên thực tế có những người đã bị xử lý về lối sống phô trương, xa hoa, lãng phí, vợ nọ, con kia hoặc chuyện kê khai tài sản không trung thực theo quy định của pháp luật… đó đều là những biểu hiện liên quan đến suy thoái nhân phẩm, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hoá.
Từ nội dung Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, bản thân cán bộ, đảng viên nhìn vào để phòng tránh và rèn luyện. Đồng thời, đó cũng là các tiêu chí để Đảng giám sát, đánh giá phẩm chất đạo đức, chính trị; phát hiện, xử lý sai phạm để làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên.
"Phòng, chống tham nhũng gắn liền với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Để đảm bảo sự trong sạch, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên thì các Nghị quyết của Đảng cũng như việc mở rộng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực chính là để làm sao giữ được sự trong sáng và uy tín của Đảng, để người dân có niềm tin vào Đảng, vào bộ máy Nhà nước cũng như đội ngũ cán bộ, công chức", TS Đinh Văn Minh nhận định.
PGS.-TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng: Việc Bộ Chính trị quyết định sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" mặc dù đã được lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, có chuyển biến rõ nét, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ vẫn còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ đạo để chỉ đạo phòng chống cả tham nhũng, tiêu cực là hết sức cần thiết, góp phần thực hiện thắng lợi Đại hội XIII của Đảng.
"Vừa qua trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng vẫn có những cán bộ bàng quan, đi chơi golf; có lãnh đạo đứng đầu địa phương nhưng khi hỏi đến thì lúng túng, không nắm được tình hình… Sự chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm trước tổ chức, trước nhân dân là những biểu hiện của tiêu cực.
Càng trong thử thách, khó khăn càng phải xử lý nghiêm để giữ kỷ cương. Nếu cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, theo tôi dịp này là dịp sàng lọc, sắp xếp lại cán bộ cho có hiệu lực, hiệu quả, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: Nếu anh không làm được thì đứng sang một bên cho người khác làm", PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh.