Nâng cao năng lực phát hiện hành vi tham nhũng giai đoạn “tiền đấu thầu” trong mua sắm công

Thứ tư, 21/09/2022 08:55

Mua sắm công có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, là chìa khóa để phân phối hàng hóa và dịch vụ quan trọng cho xã hội, trong phát triển các lĩnh vực chủ chốt.

Như chúng ta đã biết, tài sản công là tài sản thuộc quyền sở hữu toàn dân, được nhà nước đại diện chủ sở hữu quản lý, theo đó trong các trường hợp mua sắm tài sản nhà nước, việc mua sắm tài sản công phải được thực hiện chặt chẽ theo nguyên tắc, quy trình mua sắm tài sản công tại cơ quan nhà nước do pháp luật quy định.

Việc mua sắm công là một quy trình tương đối phức tạp có liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau như Luật Ngân sách, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp... Quy trình mua sắm công đòi hỏi có nhiều chủ thể cùng tham gia vào quá trình thực hiện. Tuy nhiên, việc mua sắm tài sản công lại là một trong những lĩnh vực nhiều nguy cơ tham nhũng. Nguy cơ này ngày càng gia tăng khi mà bất cứ ngành quản lý nhà nước nào cũng phải mua sắm và các cấp quản lý đều có chức năng mua sắm.

Quy trình mua sắm công gồm nhiều giai đoạn, từ lập dự án đến giai đoạn thông báo mời thầu, sơ tuyển nhà thầu, nghiên cứu, trình hồ sơ; đấu thầu; xét thầu, hậu tuyển, trao hợp đồng; thực hiện, quản lý và giám sát hợp đồng…

Ông Nguyễn Minh Phụng, Chánh Thanh tra tỉnh Cà Mau 

Tại Hội nghị tập huấn “về phòng ngừa tham nhũng trong mua sắm công” cho cán bộ ngành Thanh tra được tổ chức tại tỉnh Khánh Hòa vào ngày 12/9/2022, Chánh Thanh tra tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Phụng chia sẻ những kinh nghiệm về thực hiện quy định của pháp luật đấu thầu để phòng ngừa nguy cơ tham nhũng từ giai đoạn “tiền đấu thầu”: “Giai đoạn tiền đấu thầu hậu quả chưa xảy ra, nhưng nó vẫn có mối liên quan đến đấu thầu và khi quá trình quản lý thực hiện hợp đồng, nếu chúng ta nâng cao được năng lực để phát hiện nguy cơ tham nhũng ở giai đoạn tiền đấu thầu thì sẽ có biện pháp ngăn chặn. Như vậy, đến giai đoạn đấu thầu sẽ hạn chế rất nhiều và sau này là giai đoạn quản lý hợp đồng lại càng có hiệu quả hơn”.

Có thể nói “tiền đấu thầu” là giai đoạn hết sức quan trọng, bao gồm các công đoạn triển khai thực hiện lập dự án đến thông báo mời thầu, sơ tuyển nhà thầu, nghiên cứu, trình hồ sơ. Trong giai đoạn này nếu người phụ trách có khả năng nhận biết về các nhà thầu, như nghiên cứu năng lực, lịch sử, hành vi đấu thầu và điều tra tính pháp lý của các nhà thầu, sẽ làm giảm nguy cơ  “ép thầu”, “thông thầu”, công ty “sân sau”…

Bên cạnh đó, phải đưa mọi thông báo mời thầu lên bảng đấu thầu điện tử để có thể làm giảm hiện tượng cấu kết giữa các bên, cho phép nhà thầu báo cáo những khó khăn vướng mắc trong hoạt động của họ. Trong những chương trình như vậy, nhà thầu đã thông báo đầy đủ, kịp thời và trung thực sẽ không bị ngăn cản dự thầu ở các hợp đồng tương lai.

Việc thực hiện ký kết với các nhà thầu trong quá trình sơ tuyển nhà thầu dự thầu… nếu chúng ta làm tốt giai đoạn này thì các kênh thông tin truyền thông, các tổ chức và người dân đều nắm bắt tiếp cận kịp thời và giám sát được giai đoạn “tiền đấu thầu”… dễ phát hiện những tổ chức, cá nhân không có năng lực tham gia dự thầu, hay làm ăn gian dối không uy tín.

Có thể nói, công tác phòng ngừa tham nhũng trong mua sắm đầu tư công ở giai đoạn tiền đấu thầu là hết sức cần thiết, vì vậy việc tăng cường hệ thống, công tác kiểm soát nội bộ tại các cơ quan, đơn vị đối với lĩnh vực này để phát huy sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp, nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, đề cao vai trò của xã hội, các tổ chức, đoàn thể và quần chúng Nhân dân.

Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài, xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới. Sử dụng tổng thể các giải pháp phòng, chống tham nhũng; vừa tích cực, chủ động trong phòng ngừa, vừa kiên quyết trong phát hiện, xử lý với những bước đi vững chắc, có trọng tâm, trọng điểm, trong đó phòng ngừa là cơ bản, lâu dài; gắn phòng, chống tham nhũng với thực hành tiết kiệm, chống quan liêu, lãng phí./.

Nguồn: Tạp chí Thanh tra

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:223654
Lượt truy cập: 176.190.980