Câu hỏi đặt ra ở đây là, tổ chức, cá nhân nào là người nắm quyền lực lớn nhất trong công tác cán bộ của chính quyền các cấp ở nước ta hiện nay. Có thể nói, đó chính là cấp ủy đảng và Bí thư cấp ủy Đảng các cấp, xuất phát từ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác cán bộ. Vậy có phải chăng, việc kiểm soát quyền lực của các đối tượng này lâu nay chưa thực sự chặt chẽ nên dẫn tới những hệ lụy không đáng có trong công tác cán bộ.
Về nguyên tắc, Đảng có quyền lực rất lớn trong công tác cán bộ, đó là thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị. Đảng thống nhất lãnh đạo về quan điểm, đường lối, chính sách, tiêu chuẩn cán bộ. Đảng thống nhất quản lý đội ngũ cán bộ trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo phương hướng và lựa chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, luân chuyển, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực và phẩm chất ngang tầm nhiệm vụ chính trị. Đảng giới thiệu cán bộ đủ tiêu chuẩn để ứng cử hoặc bổ nhiệm vào các vị trí của cơ quan nhà nước, đặc biệt là các vị trí lãnh đạo và quản lý chủ chốt. Trong đó, cấp ủy và Bí thư cấp ủy các cấp có quyền hành rất lớn trong công tác này.
Theo quy định của Điều lệ Đảng và các văn bản có liên quan, Bí thư cấp ủy các cấp có quyền lực rất lớn như chủ trì, định hướng, kết luận các công việc, chủ trì dự thảo nghị quyết, văn bản, định hướng chủ đề, nội dung và tổ chức thực hiện, kết luận những vấn đề lớn, quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ. Đặc biệt là, Bí thư cấp ủy có quyền trực tiếp phụ trách công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt của địa phương, chỉ đạo, định hướng thực hiện và tháo gỡ khó khăn trong các khâu trọng yếu của công tác cán bộ, như quy hoạch, luân chuyển, quản lý, đánh giá cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bố trí cán bộ, khen thưởng, kỷ luật.
Nhận thức được quyền lực rất lớn của cấp ủy, Bí thư cấp ủy các cấp trong công tác cán bộ, thời gian gần đây, Đảng ta đã ban hành một số quy định như: (i) Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, (ii) Quy định số 10-QĐi/TW ngày 12/12/2018 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của cấp ủy, ban thường vụ, thường trực cấp ủy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, (iii) Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.
Các văn bản này quy định rõ nguyên tắc, đối tượng, nội dung công tác cán bộ và quy trình thực hiện việc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, thẩm quyền; trách nhiệm của tập thể cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy và của từng thành viên, thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và cá nhân trong việc tham mưu, đề xuất về công tác cán bộ, những việc tập thể và cá nhân có thẩm quyền trong công tác cán bộ phải làm và những việc không được làm; việc xử lý đối với tập thể và cá nhân khi để xảy ra sai phạm ngay cả khi đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác; phân định những việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi thành viên và của người đứng đầu cấp ủy... Những quy định này là một bước tiến và tạo cơ sở vững chắc hơn cho việc kiểm soát quyền lực của cấp ủy, Bí thư cấp ủy trong công tác cán bộ.
Thực tế cho thấy, dù cấp ủy Đảng hoạt động theo chế độ tập thể nhưng cũng không thể nào phủ nhận thẩm quyền đặc biệt của Bí thư cấp ủy các cấp. Ở địa phương, ngoài Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp, Bí thư cấp ủy các cấp chính là người có thực quyền rất lớn. Ở một số địa phương, Bí thư cấp ủy thậm chí được coi như người có quyền hành lớn nhất, đặc biệt là trong công tác cán bộ, xuất phát từ việc nhận thức và thực hành chưa thực sự đúng đắn về vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ. Cấp ủy hoạt động theo chế độ tập thể nhưng tính chất dân chủ đôi khi không được đảm bảo dẫn đến quyết định của Bí thư lấn át tập thể, Bí thư trở thành người nắm quyền trên thực tế để quyết định rất nhiều vấn đề về công tác cán bộ, đặc biệt là trong việc điều động, bổ nhiệm cán bộ.
Theo đồng chí Nguyễn Đức Hà, Nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng, đảng viên, Ban Tổ chức Trung ương: “Cũng không ít nơi còn biểu hiện dân chủ xuôi chiều, dân chủ hình thức, ý kiến phát biểu của các thành viên lãnh đạo chủ yếu dựa theo ý kiến của người đứng đầu, theo kiểu “gió chiều nào che chiều ấy”. Đây thực chất là thông qua cơ chế dân chủ của tập thể để hợp thức hóa ý chí áp đặt và sự chỉ đạo của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ quan, đơn vị. Vì vậy, trong công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, đã xảy ra không ít trường hợp là, mặc dù thực hiện “đúng quy trình” nhưng vẫn không lựa chọn được đúng người, đúng việc, trong khi đó có một số trường hợp được bổ nhiệm “thần tốc” lại là con, em, người thân của cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu”.[1]
Trong công tác cán bộ, dư luận đã từng xôn xao về một số trường hợp người nhà, người thân cận với Bí thư cấp ủy các cấp được nắm giữ các trọng trách quan trọng trong cơ quan nhà nước, con đường thăng tiến cũng “thần tốc” hơn so với người khác mà đôi khi không phù hợp với năng lực, chưa đảm bảo về quy trình.
Báo chí từng đưa tin gây bức xúc trong dư luận về việc ông Nguyễn Nhân Chinh, con trai của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, chỉ trong vòng 6 tháng đã được bổ nhiệm qua 03 vị trí lãnh đạo tại tỉnh Bắc Ninh, trong đó có Giám đốc Sở lao động, thương binh và xã hội, trong khi trình độ đại học chuyên ngành cờ vua và thạc sỹ quản lý giáo dục.
Hay vụ việc ông Triệu Tài Vinh trước đây, khi còn giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, báo chí đưa tin ông có vợ, em trai, em gái và người thân được cân nhắc giữ các vị trí lãnh đạo các cơ quan, ban ngành tại Hà Giang, trong đó vợ là Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ba em trai là Bí thư huyện ủy Quang Bình, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hoàng Su Phì, Phó Giám đốc Sở Bưu chính - Viễn thông, em gái là Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư, em rể làm Phó Giám đốc công an thành phố Hà Giang.
Ông Đậu Minh Ngọc, nguyên Bí thư huyện ủy Quảng Trạch, Quảng Bình, đã bị xử lý kỷ luật vì lí do tiếp nhận hàng loạt họ hàng, người cùng thôn vào cơ quan nhà nước trong thời gian giữ chức vụ, trong đó có 08 trường hợp chưa đảm bảo quy trình, thủ tục và quy định về công tác cán bộ. Thời gian qua, ít có vụ án về tham nhũng trong công tác cán bộ được đưa ra xét xử, nhưng dư luận vẫn đồn đoán về mức tiền để “chạy” được vào biên chế, hay “chạy” lên các chức vụ là con số không hề nhỏ.
Cuối tháng 3/2022, Thanh tra Chính phủ có Báo cáo kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi sau kỳ họp thứ 2 (20/10/2021-13/11/2021), Quốc hội khóa XV (2021-2026). Báo cáo cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, có ủy viên, phó bí thư cấp ủy có nhiều sai phạm, trong đó có sai phạm về công tác cán bộ như Đại tá Nguyễn Thế Anh, Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang bị kỷ luật do đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc, thiếu tu dưỡng rèn luyện, suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; nhận hối lộ; vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác cán bộ...
Trong nhiệm kỳ 2016-2020, có tới 664 tổ chức cơ sở đảng bị kỷ luật và con số này của năm 2021 là 220[2]. Con số này cho thấy, còn nhiều Bí thư – người đứng đầu chưa thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình.Tình trạng lạm quyền, lộng quyền, sử dụng quyền lực vì mục đích cá nhân, “lợi ích nhóm”, thiếu dân chủ, chưa minh bạch trong các quyết định, thiếu công khai trong công tác cán bộ vẫn còn tồn tại ở một số cấp ủy. Vẫn có hiện tượng trù dập cá nhân không đồng thuận trong cấp ủy.
Trong khi đó, một số Ủy ban kiểm tra các cấp vẫn chưa làm tốt chức năng kiểm tra, giám sát đối với cấp ủy, Bí thư cấp ủy trong công tác cán bộ, chưa mạnh dạn đề xuất nội dung kiểm tra, giám sát chuyên sâu về công tác cán bộ, thẩm quyền còn chưa đủ mạnh. Nhiều vi phạm liên quan đến công tác này không được phát hiện qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng mà chỉ đến khi có phản ánh của quần chúng nhân dân, của báo chí thì mới tiến hành kiểm tra, điều tra, xử lý. Và nhất là, nhiều cán bộ bị kỷ luật với những tội danh nghiêm trọng nhưng trước đó vẫn nhận nhiều khen thưởng cao quý của nhà nước. Điều này cho thấy hiệu quả của các thiết chế giám sát, kiểm tra cần phải chấn chỉnh lại. Chưa có giải pháp hữu hiệu để kịp thời giải quyết triệt để những tiêu cực trong công tác cán bộ, một số chế tài xử lý khi có hành vi lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực trong công tác cán bộ còn thiếu cụ thể và mạnh mẽ, nên chưa phát huy tác dụng ngăn chặn, răn đe. Bản thân ủy viên cấp ủy cũng có hiện tượng không đấu tranh do e ngại, nể nang, né tránh, sợ ảnh hưởng đến bản thân. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở một số địa phương còn hình thức, hiệu quả thấp.
Theo bà Trương Thị Mai, Trưởng ban Tổ chức Trung ương: “Tập trung dân chủ là nguyên tắc cốt tử trong hoạt động Đảng, song có nơi thực hiện chưa nghiêm. Các tổ chức cơ sở đảng bị kỷ luật đa phần vi phạm nguyên tắc này. Có nơi dùng ý chí của người đứng đầu áp đặt chủ quan, không tôn trọng dân chủ. Ngược lại, có một số nơi lại thả nổi, người đứng đầu không chịu trách nhiệm, sợ trách nhiệm” và “Không thể để mấy ông cán bộ bị kỷ luật ngồi mãi, làm ảnh hưởng lòng tin của dân với Đảng”[3].
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới vấn đề này, trong đó kiểm soát quyền lực của đảng, của cấp ủy, bí thư cấp ủy các cấp là vấn đề lâu nay còn ít được đề cập. Các nghiên cứu, thể chế pháp lý tập trung nhiều vào kiểm soát quyền lực của các cơ quan hành chính nhà nước. Việc xác định cơ chế kiểm soát quyền lực của Đảng nói chung và các chủ thể trong Đảng bao gồm cấp ủy, bí thư cấp ủy các cấp trong cơ chế một đảng lãnh đạo ở nước ta chưa được chú trọng đúng mức. Cơ chế kiểm soát quyền lực trong nội bộ Đảng, kiểm soát từ phía người dân đối với Đảng nói chung và trong công tác cán bộ nói riêng chưa được chặt chẽ.
Điều này dẫn đến việc quyền lực được giao còn bị lợi dụng, lạm dụng dẫn đến việc bố trí không đúng người, đúng việc, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử chưa bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, nâng đỡ người thân, người nhà, hình thành nên các nhóm lợi ích để thao túng quyền lực, thực hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực, nghiêm trọng hơn là mua bán chức quyền, đưa những người không có đủ năng lực lên nắm quyền, làm tha hóa đội ngũ cán bộ.
Những tai tiếng về công tác cán bộ gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của Đảng trước người dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Giống như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cảnh báo: “Tôi không sợ bọn đế quốc, bọn phản động. Đồng bào sẽ đánh thắng chúng. Tôi chỉ sợ những hành vi xấu xa của cán bộ, làm cho đồng bào mất lòng tin với chế độ, Nhà nước và Đảng… Đưa những người yếu kém về năng lực, nhất là kém cỏi về phẩm chất, nhân cách vào bất kỳ nhiệm vụ nào cũng nguy hại”.[4]
Việc ban hành Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền đã tỏ rõ quyết tâm của Đảng trong việc thiết lập lại kỷ luật, kỷ cương của Đảng trong công tác cán bộ. Điều 2 của Quy định này đã nêu rõ quan điểm của Đảng: “Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác cán bộ; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước, nhất là các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền hoặc không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những việc phải làm trên cương vị được giao trong công tác cán bộ”.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng nhấn mạnh một trong 10 nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng là: “Xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; xử lý nghiêm minh, đồng bộ kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật đối với cán bộ có vi phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu”[5]. Thời gian tới, để kiểm soát tốt hơn nữa quyền lực của cấp ủy, Bí thư cấp ủy trong công tác này, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:
Một là, chỉ đạo nghiên cứu đề xuất về cơ chế kiểm soát quyền lực đối với cấp ủy, bí thư cấp ủy nói chung và trong công tác cán bộ nói riêng trong điều kiện một đảng lãnh đạo ở Việt Nam để đưa ra giải pháp thiết lập một cách đồng bộ cơ chế này trong các quy định của điều lệ Đảng và thể chế, chính sách có liên quan. Cụ thể hóa hơn nữa chủ chương mà Đảng ta đã xác định trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII là: “Xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền”[6].
Hai là, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực đối với cấp ủy và Bí thư cấp ủy thông qua việc hoàn thiện quy chế làm việc, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của cấp ủy, của người đứng đầu cấp ủy với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị, người đứng đầu cơ quan, đơn vị theo hướng phân công cụ thể và chịu trách nhiệm rõ ràng, chỉ rõ những công việc cấp ủy phải họp, thảo luận, bàn bạc để quyết định, những công việc theo chức trách, nhiệm vụ mà Bí thư, các ủy viên có thể quyết định và chịu trách nhiệm. Cần cụ thể hóa nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, phân định rõ những nhiệm vụ, quyền hạn nào thuộc về cấp ủy; những nhiệm vụ, quyền hạn nào thuộc về người đứng đầu cấp ủy, chính quyền để tránh trường hợp người đứng đầu ỷ lại tập thể, đổ lỗi cho tập thể khi không làm tròn trách nhiệm hoặc ngược lại, lợi dụng tập thể để lộng quyền, chuyên quyền, độc đoán, mất dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo. Việc quy định rõ ràng sẽ tạo cơ sở cho việc kiểm soát quyền lực của tập thể cấp ủy và cá nhân Bí thư cấp ủy các cấp. Quy định cụ thể việc thực hiện chế độ báo cáo, chất vấn và giải trình đối với Bí thư trong hội nghị cấp ủy. Nghiên cứu việc quy định lấy phiếu tín nhiệm hằng năm với Bí thư cấp ủy.
Ba là, hoàn thiện các quy chế, quy định để chống chạy chức, chạy quyền. Đặc biệt là, sửa đổi chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm của cấp ủy, bí thư cấp ủy các cấp nghiêm khắc hơn. Tăng tính độc lập, thẩm quyền, vai trò của Ủy ban kiểm tra các cấp trong kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của cấp ủy, bí thư cấp ủy để ngăn chặn việc lạm quyền, tham nhũng.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện quy định để phát huy tối đa vai trò của Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong giám sát, phản biện xã hội, sử dụng các kênh thông tin, truyền thông vào việc giám sát thực thi quyền lực của cấp ủy, Bí thư cấp ủy các cấp, kịp thời phản ánh về các hành vi có dấu hiệu vi phạm.
Tóm lại, sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam – đảng chính trị duy nhất cầm quyền là một nét đặc trưng của hệ thống chính trị của Việt Nam. Điều này cũng đặt ra những đòi hỏi mang tính đặc thù đối với việc kiểm soát quyền lực ở Việt Nam. Đối tượng kiểm soát sẽ không chỉ là các cơ quan, người có thẩm quyền trong các cơ quan nhà nước mà sẽ bao gồm cả các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền của Đảng. Công tác cán bộ là một công tác nhạy cảm, dễ bị lạm dụng quyền lực để ưu ái cho người nhà, người quen, thậm chí mua quyền, bán chức. Việc kiểm soát quyền lực của cấp ủy đảng, Bí thư cấp ủy đảng các cấp thời gian qua đã được quan tâm, siết chặt hơn với nhiều cán bộ vi phạm bị xử lý. Tuy nhiên, vẫn cần đến những giải pháp mang tính tổng thể để quá trình này được tiến hành mang tính hệ thống, lâu dài mà không chỉ trong từng giai đoạn nhất định, mang tính phong trào khi có sự chỉ đạo trực tiếp, sát sao.
TS. Nguyễn Thị Thu Nga
Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
[1] Nguyễn Đức Hà, Nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng, đảng viên, Ban Tổ chức Trung ương (2022), Cụ thể hóa nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị - Thực trạng và một số vấn đề đặt ra, Tạp chí cộng sản.
[2] Viết Tuân (2022), “Bà Trương Thị Mai: Không để mấy ông cán bộ bị kỷ luật ngồi mãi”, Báo điện tử vnexpress.net.
[3] Viết Tuân (2022), “Bà Trương Thị Mai: Không để mấy ông cán bộ bị kỷ luật ngồi mãi”, Báo điện tử vnexpress.net.
[4] Lời Bác căn dặn cán bộ, Báo Nhân Dân, ngày 19/8/1997; Sau này được in lại trong cuốn "Nhân Dân, Tuyển tập các tác phẩm đoạt giải báo chí Hội nhà báo và giải báo chí quốc gia", NXB CTQG - ST, tr 11, 12.
[5] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021
[6] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021