Có quy định những tố cáo không rõ họ, tên, địa chỉ người tố cáo nhưng có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành việc thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý nhưng chưa cụ thể hóa nên việc vận dụng còn khó khăn.
Tuy nhiên, phương án thừa nhận tố cáo nặc danh ở Việt Nam hiện nay có thể sẽ tạo ra những khó khăn trong việc triển khai bởi có thể dẫn tới việc hầu hết đơn tố cáo sẽ không rõ danh tính, gây khó khăn hơn trong công tác xác minh, giải quyết, xử lý đúng người, đúng tội, gây quá tải cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc tiến tới thừa nhận tố cáo nặc danh phải có lộ trình với sự tính toán kỹ lưỡng các điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện. Bên cạnh đó, nội dung tố cáo hiện nay chỉ bó hẹp trong các hành vi có dấu hiệu tham nhũng theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng nên cơ quan nhà nước không tận dụng được các thông tin khác liên quan đến tham nhũng để phục vụ cho việc ngăn chặn kịp thời các xung đột lợi ích, hành vi vi phạm, cải thiện công tác quản lý, xóa bỏ tham nhũng, tạo ra sức ép lên cán bộ, công chức để họ từ bỏ ý định thực hiện hành vi tham nhũng.
Chính vì vậy, một phương án khá thích hợp đối với Việt Nam hiện nay đó là giữ nguyên tố cáo chính danh, hướng dẫn cụ thể việc tiếp nhận tố cáo tham nhũng qua hình thức điện thoại, thư điện tử và các phương tiện thông tin truyền thông bên cạnh tố cáo bằng đơn, trực tiếp, đồng thời mở rộng thêm hình thức tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh có thể chính danh hoặc nặc danh về tham nhũng với những nội dung rộng hơn tố cáo. Phương án này giúp giữ nguyên tác dụng của phương thức tố cáo tham nhũng hiện nay, đồng thời, mở rộng thêm thông tin phản ánh về tham nhũng sẽ mở rộng phạm vi nội dung thông tin mà người dân có thể cung cấp bên cạnh các hành vi có dấu hiệu tham nhũng theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng như: các hiện tượng, hành vi khác được cá nhân, tổ chức cho là có liên quan đến tham nhũng: lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển, cử đi đào tạo bằng ngân sách Nhà nước đối với con, em, người thân, người quen, người nhà, thái độ thiếu trách nhiệm, thờ ơ khi giải quyết công việc với công dân, sử dụng thông tin trong công việc để trục lợi và người thân trục lợi; các kiến nghị về xử lý tập thể, cá nhân có liên quan đến tham nhũng; những vướng mắc, vấn đề phát sinh trong quy định và việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan tới phòng chống tham nhũng.
Hơn nữa, nếu chỉ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân đối với loại nội dung thông tin phản ánh về tham nhũng nhất định sẽ khuyến khích người dân tích cực tham gia vì họ không lo bị lộ danh tính, bị trả thù hay thù dập, ảnh hưởng đến công việc, sức khỏe và tính mạng… Qua đó, tăng tính răn đe với cán bộ, công chức, tăng hiệu quả việc phát hiện và xử lý người có hành vi tham nhũng, tạo ra luồng thông tin phản hồi để chấn chỉnh hoạt động quản lý, phòng ngừa tham nhũng. Đây giống như một bước quá độ khi chúng ta chưa thể chấp nhận tố cáo nặc danh nhưng cũng không thể chỉ giữ riêng hình thức tố cáo tham nhũng như hiện nay khi mà công tác chống tham nhũng đòi hỏi cần phải có những đột phá về hiệu quả.
1. Thực tế thông tin phản ánh về tham nhũng ở một số Bộ, ngành, địa phương thời gian qua
Tuy pháp luật chưa có quy định khung cho việc tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về tham nhũng của tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước nhưng xuất phát từ yêu cầu của thực tế, một số Bộ, ngành, địa phương đã ban hành quy định và bước đầu triển khai thực hiện:
Tại Quảng Ninh, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 06-QĐ/TU ngày 04/8/2017 về việc tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh liên quan đến tham nhũng, suy thoái theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Theo đó, thông tin phản ánh được tiếp nhận từ các nguồn đa dạng như thư tín, thư điện tử, điện thoại, tin nhắn, gặp gỡ trực tiếp, qua tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, thông tin báo chí, phản ánh do các tổ chức, cá nhân khác chuyển đến. Nội dung thông tin phản ánh không chỉ bao gồm các hành vi quy định tại Điều 3, Luật Phòng, chống tham nhũng mà còn các thông tin phản ánh khác như thái độ thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm khi giải quyết công việc với công dân, sử dụng thông tin trong công việc để trục lợi và để người thân trục lợi, các kiến nghị liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước, cung ứng dịch vụ công, các kiến nghị về xử lý tập thể, cá nhân có liên quan đến tham nhũng, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống... và 27 biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” được xác định trong Nghị quyết Trung ương 4 (Khoá XII).
Trường hợp đặc biệt hoặc vì lý do khác nhau, nếu người thông tin, phản ánh không ghi rõ họ, tên, địa chỉ của mình (giấu tên) nhưng có cung cấp tên, địa chỉ công tác của cán bộ, đảng viên, các thông tin, chứng cứ làm căn cứ xác minh tính chính xác của nội dung phản ánh hoặc những thông tin có cơ sở để xác định hành vi tham nhũng, suy thoái của cán bộ, đảng viên thì cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định. Tính đến ngày 12/10/2017, Uỷ ban kiểm tra Tỉnh uỷ đã tiếp nhận 8 thông tin phản ánh về cán bộ, đảng viên và đã tiến hành xem xét, giải quyết, xử lý [1] 9 tháng đầu năm 2017, từ những thông tin phản ánh của quần chúng nhân dân, cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã giao công an trực tiếp điều tra, làm rõ và đưa ra khởi tố 6 vụ việc/ 24 bị can, các cơ quan trên địa bàn đã công khai địa chỉ tiếp nhận thông tin phản ánh, mở chuyên mục tiếp nhận thông tin phản ánh liên quan đến tham nhũng, suy thoái trên các cổng Thông tin điện tử, Trang tin điện tử, thiết lập đường dây nóng.
Ở các địa phương khác, tuy không có số liệu thống kê chính thức nhưng tại hội thảo do Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra tổ chức tại Thái Nguyên và Ninh Bình, thanh tra các địa phương phản ánh địa phương vẫn nhận được đơn thư phản ánh của người dân trong đó có đơn thư phản ánh liên quan đến tham nhũng nhưng chưa có quy định cụ thể để giải quyết và trả lời cho người dân nên không được thống kê và xử lý.
Tại Bộ Giao thông vận tải, Bộ đã ban hành Thông tư số 39/2014/TT-BGTVT ngày 12/9/2014 quy định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo của Bộ Giao thông vận tải, đã lần đầu tiên giải thích rõ các thuật ngữ về thông tin, quy định về tiếp nhận thông tin, xử lý thông tin trong đó có thông tin phản ánh. Đặc biệt, một điểm đột phá trong quy định của Bộ Giao thông vận tải là trường hợp người cung cấp thông tin không nêu rõ họ tên, địa chỉ, điện thoại, người tiếp nhận vẫn tiếp nhận, ghi chép tóm tắt nội dung phản ánh và ghi âm (nếu có) vào sổ tiếp nhận thông tin và ký xác nhận vào sổ tiếp nhận thông tin. Ngày 05/02/2013, Bộ Giao thông vận tải ban hành Quyết định 347/QĐ-BGTVT phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng của Bộ Giao thông vận tải”. Đề án này đã quyết định thành lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin về tham nhũng đặt tại Thanh tra Bộ (Phòng thanh tra 4 - Phòng tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng). Ngoài ra, Bộ còn tận dụng nguồn tin qua tin nhắn cho lãnh đạo kể cả không rõ tên tuổi, qua cơ sở, cộng tác viên, quần chúng nhân dân. Trách nhiệm tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về tham nhũng được giao cho Phòng thanh tra 4. Từ khi thành lập đến nay đường dây nóng tiếp nhận tổng cộng hơn 70 nguồn tin phản ánh. Ngoài ra, khi xảy ra một số vụ việc như báo chí phản ánh về tham nhũng của các đơn vị, cá nhân trong ngành giao thông vận tải, Bộ cũng tiến hành lập đường dây nóng nhận thông tin phản ánh liên quan đến vụ việc như năm 2014, Tổ kiểm tra, xác minh nghi án quan chức cấp cao trong Ban quản lý dự án của Việt Nam nhận hối lộ của công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản JTC, tổ đã lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin về nghi án này.
Một số cơ quan thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin về tham nhũng như: Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường (trong việc cấp sổ đỏ), Tổng Cục cảnh sát, Tổng cục Hải quan, các tỉnh như Quảng Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng... Một số địa phương thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh liên quan đến tham nhũng, tiêu cực của một nhóm cán bộ, công chức nhất định là cảnh sát giao thông, công an, hải quan như Đồng Tháp, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, thành phố Hồ Chí Minh, Cục Hải quan các tỉnh, thành góp phần hạn chế, xử lý tham nhũng trong các lĩnh vực được đánh giá là tham nhũng phổ biến. Cụ thể như:
Tháng 12/2014, Thanh tra Chính phủ công bố đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh, tố cáo về tham nhũng qua 3 số điện thoại. Sau khi công bố cho đến thời điểm trước tháng 12/2015, đường dây nóng tiếp nhận khoảng 65 nguồn tin, trong đó có gần 30 nguồn tin buộc Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ phải xác minh. Dịp Tết nguyên đán năm 2015, nhận được 329 cuộc gọi, tin nhắn. Trong cả năm 2016 đã tiếp nhận 350 thông tin tố cáo, phản ánh về hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực như đất đai, chế độ chính sách; bồi thường, giải phóng mặt bằng; bổ nhiệm cán bộ, cảnh sát giao thông, hải quan, bộ phận tiếp nhận một cửa, ngân hàng… Dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, tiếp nhận 23 nguồn tin tố giác liên quan việc biếu, tặng quà Tết trái quy định và 33 nguồn tin tố giác các hành vi liên quan tham nhũng, chủ yếu là nhũng nhiễu…
Ngày 21/4/2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố đường dây nóng, địa chỉ thư điện tử: cucksqlsdd@gmail.com tiếp nhận thông tin phản ánh về tình trạng vi phạm pháp luật đất đai và nhũng nhiễu, tiêu cực trong việc cấp sổ đỏ. Tính đến ngày 30/8/2016, Tổng cục quản lý đất đai đã tiếp nhận 1.682 trường hợp, trong đó có 488 trường hợp phản ánh rõ nội dung sai phạm liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai và có địa chỉ để xử lý[2]. Trong 6 tháng đầu năm 2017, Tổng cục tiếp nhận 445 ý kiến phản ánh qua đường dây nóng, trong đó ban hành 145 văn bản chuyển địa phương yêu cầu xem xét, xử lý, chuyển Thanh tra bộ xử lý theo thẩm quyền 25 trường hợp, các trường hợp còn lại không xử lý do trùng nội dung đơn hoặc không đủ cơ sở, điều kiện để xem xét, giải quyết.[3]
Thông qua các hình thức nói trên, người dân và các cơ quan, tổ chức khá tích cực trong việc cung cấp thông tin phản ánh về tham nhũng. Các thông tin nhận được khá toàn diện trên các lĩnh vực nhưng chủ yếu vẫn là đất đai, khoáng sản; thuế, ngân hàng, tài chính, công tác cán bộ; hành vi có dấu hiệu mãi lộ, nhận hối lộ của cán bộ, công chức (như cảnh sát, thanh tra giao thông, kiểm lâm, thuế vụ, quản lý thị trường, cán bộ tiếp công dân, hải quan, “chạy” việc làm; xây dựng công trình, dự án, thực hiện chính sách xã hội…), thành lập doanh nghiệp sân sau của cán bộ, công chức, đấu thầu… Khi nhận được thông tin phản ánh, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã bước đầu phân loại, sử dụng để nắm tình hình, phục vụ cho việc tiến hành xác minh, điều tra hoặc đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra để phát hiện các xung đột lợi ích, ngăn chặn kịp thời các hành vi tham nhũng, thu thập chứng cứ, xử lý các hành vi tham nhũng. Bên cạnh đó, thông tin thu được cũng giúp chấn chỉnh lại công tác quản lý, khắc phục các sơ hở có thể dẫn tới hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức. Đây cũng là giải pháp để thu thập được nhiều nguồn tin, giúp nghiên cứu và đề ra giải pháp tham mưu phục vụ công tác quản lý tốt hơn.
Ngoài ra, nhiều thông tin phản ánh trên các phương tiện thông tin truyền thông trở thành dữ liệu ban đầu hết sức quan trọng, tạo ra sức ép giúp các cơ quan chức năng vào cuộc, điều tra và xử lý nghiêm minh hành vi tham nhũng. Gần đây nhiều thông tin phản ánh liên quan đến việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo trong bộ máy nhà nước cũng được báo chí nêu lên một cách mạnh mẽ. Những trường hợp như Trịnh Xuân Thanh, Trần Vũ Quỳnh Anh… được báo chí thông tin đã gây bất bình dư luận, cơ quan nhà nước vào cuộc điều tra, làm rõ.
2. Một số kiến nghị
Thông tin phản ánh khác với tố cáo vì tố cáo là người tố cáo nêu ra con người và hành vi cụ thể mà họ cho là tham nhũng và yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi đó. Thông tin phản ánh về tham nhũng có nội dung rất rộng, rộng hơn tố cáo và tính chất, mức độ chính xác cũng rất khác nhau, là việc phát hiện ban đầu, phát hiện ở mức độ sơ khai những biểu hiện của tham nhũng và các thông tin khác liên quan, nó có thể được thực hiện một cách chủ động, trực tiếp đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay chỉ đơn giản là việc đăng tải, nêu thông tin trên các phương tiện thông tin, truyền thông... Vì vậy, việc tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về tham nhũng cũng sẽ khác với tố cáo về tham nhũng. Để tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về tham nhũng, cần phải thiết lập quy trình đặc thù và công khai kết quả xử lý. Quy trình tiếp nhận và xử lý phải đảm bảo bí mật đối với nguồn tin vì nếu bị lộ, đối tượng bị phản ánh biết được sẽ có cơ hội tẩu tán bằng chứng, tài liệu, thậm chí dùng ảnh hưởng, mối quan hệ của mình để tác động đến cơ quan, cá nhân tiếp nhận thông tin nhằm mua chuộc, dụ dỗ thậm chí đe dọa không đưa vụ việc ra xác minh, điều tra, xử lý. Do đó, các bước trong quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về tham nhũng phải rất chặt chẽ và đặt tính bảo mật nguồn tin lên hàng đầu, các văn bản phải ở chế độ mật chỉ có những người có thẩm quyền giải quyết mới có thể tiếp cận, khâu trình ký cũng phải bảo mật không thông qua văn thư cơ quan, phải có chế tài xử lý vi phạm một cách nghiêm khắc đối với cán bộ, công chức trong việc thực hiện quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về tham nhũng. Một số kiến nghị cụ thể như sau:
Thứ nhất, về nguồn tiếp nhận thông tin phản ánh về tham nhũng: thư, thư điện tử, điện thoại, tin nhắn, gặp gỡ trực tiếp để phản ánh, thông tin qua tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, thông tin báo chí và các phương tiện thông tin truyền thông, phản ánh do đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, cơ quan báo chí và cơ quan, tổ chức khác chuyển đến, do lãnh đạo (người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu) cơ quan Đảng, Nhà nước tiếp nhận và chuyển đến, gửi thông tin phản ánh qua hòm thư tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân…
Thứ hai, về hình thức thông tin phản ánh: bằng văn bản; đăng tải thông tin trên Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, báo chí hoặc các phương tiện thông tin, truyền thông khác; trao đổi, phát ngôn trực tiếp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; Thông báo (trao đổi) qua đường dây điện thoại.
Thứ ba, yêu cầu đối với thông tin phản ánh về tham nhũng của tổ chức, cá nhân:
Nhóm thông tin phản ánh về hành vi có dấu hiệu tham nhũng mà tổ chức, cá nhân chủ động cung cấp đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thể hiện rõ về tổ chức, cá nhân cán bộ, đảng viên có biểu hiện tham nhũng, các chứng cứ kèm theo (nếu có) bao gồm: ảnh, băng ghi âm, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh, thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử và các giấy tờ, tài liệu đọc được liên quan đến những biểu hiện tham nhũng. Trường hợp đặc biệt hoặc vì lý do khác nhau, nếu người thông tin, phản ánh không ghi rõ họ, tên, địa chỉ của mình (giấu tên) nhưng có cung cấp tên, địa chỉ công tác của cán bộ, đảng viên, các thông tin, chứng cứ làm căn cứ xác minh tính chính xác của nội dung phản ánh hoặc những thông tin có cơ sở để xác định hành vi tham nhũng của cán bộ, đảng viên thì cơ quan có thẩm quyền vẫn xem xét, xử lý theo quy định.
Tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin các hiện tượng, hành vi khác được cá nhân, tổ chức cho là có liên quan đến tham nhũng, những tài liệu, bằng chứng liên quan đến hành vi tham nhũng, các kiến nghị liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước, cung ứng dịch vụ công, các kiến nghị về xử lý tập thể, cá nhân có liên quan đến tham nhũng, những vướng mắc, vấn đề phát sinh trong quy định và việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan tới phòng, chống tham nhũng không cần cung cấp họ tên, địa chỉ.
Thứ tư, phương thức tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về tham nhũng:
Phương thức tiếp nhận thụ động được tiến hành đối với hình thức tổ chức, cá nhân thông tin phản ánh trực tiếp đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thông qua việc thiết lập bộ phận tiếp nhận, thiết lập đường dây nóng hoặc bố trí số điện thoại chuyên tiếp nhận thông tin phản ánh về tham nhũng, thiết lập email, trang tin điện tử, chuyên mục trên cổng thông tin điện tử.
Phương thức tiếp nhận chủ động đối với hình thức tổ chức, cá nhân nêu thông tin phản ánh trên báo chí, phương tiện thông tin, truyền thông thông qua việc thiết lập bộ phận hoặc giao trách nhiệm cho cá nhân chuyên trách chủ động tìm kiếm, ghi nhận các thông tin được nêu, được đăng tải trên báo chí, đài phát thanh, truyền hình, mạng xã hội… để chủ động xem xét nguồn tin, đề xuất xác minh nguồn tin lên cơ quan, cá nhân có thẩm quyền quyết định việc xác minh, xử lý nguồn tin.
Thứ năm, quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về tham nhũng:
- Bước 1, tiếp nhận, phân loại và xác định tính hợp lệ của nguồn tin: sau khi nguồn tin được tiếp nhận, vào sổ, bộ phận tiếp nhận căn cứ vào các yêu cầu cụ thể về hình thức, nội dung để xác định tính hợp lệ của nguồn tin, nghiên cứu, đánh giá, phân loại thông tin theo điều kiện xử lý (thông tin phản ánh đủ điều kiện xử lý là thông tin đáp ứng yêu cầu, thông tin phản ánh không đủ điều kiện xử lý là thông tin không đáp ứng yêu cầu), theo thẩm quyền giải quyết (thuộc thẩm quyền hay không thuộc thẩm quyền cần chuyển cho cơ quan có thẩm quyền khác xem xét, xử lý), theo tính chất nội dung (thông tin đã rõ, chưa rõ, có thể xem xét trình ra kết luận ngay hay cần trình nguồn tin lên người có thẩm quyền xem xét, quyết định xác minh, xử lý). Khi người kiến nghị, phản ánh cung cấp tài liệu, bằng chứng có liên quan thì người tiếp nhận phải kiểm tra tính hợp lệ của các tài liệu, bằng chứng đó và tiến hành tiếp nhận. Các cuộc gọi đến cần phải được ghi âm để đối chứng.
- Bước 2, trình đề xuất xác minh, xử lý, tiến hành xác minh xử lý và ra kết luận: thông tin phản ánh đủ điều kiện sẽ được trình lên cá nhân có thẩm quyền xem xét, quyết định việc có tiến hành xác minh, làm rõ hay không, nếu được duyệt nguồn tin sẽ được chuyển cho bộ phận có trách nhiệm tiến hành việc xác minh, xử lý, sau khi tiến hành xác minh, điều tra xong, kết luận sẽ được trình lên cá nhân có thẩm quyền để ra quyết định xử lý.
- Bước 3, gửi và công khai kết quả xử lý thông tin phản ánh:
Đối với hình thức thông tin phản ánh do cá nhân, tổ chức chủ động cung cấp đến cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì cơ quan tiếp nhận có trách nhiệm gửi kết quả xử lý thông tin phản ánh đến: người thông tin phản ánh; người có quyền, nghĩa vụ liên quan (nếu có); cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển thông tin phản ánh đến (nếu có) và công khai kết quả xử lý bằng cách niêm yết văn bản tại trụ sở của cơ quan, thông báo văn bản giải quyết lên trang tin điện tử hoặc Cổng TTĐT của cơ quan (nếu có) và các hình thức khác phù hợp. Đối với trường hợp các thông tin phản ánh không có danh tính người cung cấp thông tin phản ánh thì không cần gửi kết quả xử lý mà chỉ công khai kết quả xử lý.
Đối với loại thông tin phản ánh về tham nhũng đơn thuần nêu thông tin trên trên Cổng TTĐT, trang tin điện tử hoặc các phương tiện thông tin, truyền thông khác thì tùy vào tính chất nội dung của thông tin thu thập được mà cơ quan quyết định việc công khai.
Thứ sáu, chế tài xử lý vi phạm:
Cá nhân có thẩm quyền tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về tham nhũng nếu tiết lộ họ, tên, địa chỉ, bút tích, số điện thoại của người thông tin phản ánh và những thông tin khác làm lộ danh tính của tổ chức, cá nhân thông tin phản ánh thì sẽ phải chịu hình thức kỷ luật buộc thôi việc (đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý), giáng chức (đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý).
Ngoài ra, nếu có các hành vi vi phạm các quy định khác của pháp luật trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về tham nhũng thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Để việc tiếp nhận và xử lý có hiệu quả cần phải thiết lập bộ phận chuyên trách tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về tham nhũng có chuyên môn, có đủ năng lực và thẩm quyền xử lý các thông tin phản ánh tiếp nhận được. Cơ quan (hoặc đơn vị đó) phải có đủ khả năng và điều kiện phân loại, phân tích ban đầu những thông tin phản ánh tiếp nhận được về tính xác thực và tính có căn cứ của thông tin đó; có đủ khả năng để xác định, trình lên người có thẩm quyền để xử lý những thông tin có giá trị hoặc chuyển đến cơ quan khác có thẩm quyền… Đơn vị đó sẽ làm đầu mối tiếp nhận và có tác dụng như bộ lọc ban đầu để vào sổ tiếp nhận, ghi âm…, phân tích xử lý thông tin ban đầu, sau đó trình nguồn tin lên lãnh đạo để quyết định việc xác minh, điều tra nguồn tin, tiến hành xác minh, điều tra nếu được giao.
Một bộ phận như vậy nên được thiết lập tập trung vào hai đầu mối: tại cơ quan thanh tra nhà nước các cấp và cơ quan điều tra các cấp. Xem xét cơ cấu tổ chức hiện tại của cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra thì nên tích hợp trách nhiệm tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về tham nhũng cho bộ phận trực thuộc cơ quan thanh tra nhà nước và bộ phận tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm của cơ quan điều tra. Thông tin, phản ánh nếu không đến trực tiếp bộ phận này mà do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tiếp nhận từ các nguồn khác nhau cũng sẽ được chuyển về bộ phận này để phân loại và tiến hành các bước xử lý theo đúng quy trình đặt ra. Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp, người được uỷ quyền tiếp nhận thông tin, người đứng đầu cơ quan tham mưu giúp việc của cấp uỷ, cơ quan chuyên môn của chính quyền, người đứng đầu cơ quan tư pháp, kiểm sát, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức khác khi nhận được thông tin phản ánh phải chuyển bộ phận xử lý đơn phân loại, xem xét ban đầu và chuyển cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo đúng quy trình. Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm nhân sự cho phòng, ban chuyên trách tiếp nhận trong cơ quan thanh tra, điều tra các cấp để chuyên tìm kiếm, tiếp nhận các thông tin được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, xem xét, chuyển cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xem xét việc xử lý theo quy trình. Chỉ có như vậy thì người dân mới dễ dàng trong việc đưa thông tin phản ánh của mình và theo dõi việc xử lý thông tin phản ánh đó. Đối với những người thuộc diện cấp ủy quản lý thì thông tin phản ánh sẽ được chuyển đến cơ quan kiểm tra Đảng xác minh, xử lý. Bộ phận này cũng là đầu mối chủ động tìm kiếm, tiếp nhận các nguồn thông tin từ báo chí, các phương tiện thông tin truyền thông để trình người có thẩm quyền quyết định việc xác minh và xử lý.
Ngoài việc bổ sung các quy định trực tiếp về tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về tham nhũng cần phải điều chỉnh Luật tố cáo theo hướng chấp nhận tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại… để triển khai bộ phận tiếp nhận tố cáo tham nhũng đồng thời với việc tiếp nhận thông tin, phản ánh về tham nhũng nhằm tiết kiệm nhân lực, vật lực và tận dụng được tối đa các nguồn thông tin phục vụ cho công tác chống tham nhũng mà không gây quá tải cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nguyễn Thị Thu Nga
Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
[1] http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201710/da-tiep-nhan-xu-ly-8-thong-tin-lien-quan-den-tham-nhung-suy-thoai-2360608/
[2] Gần 1.700 phản ánh tiêu cực đất đai qua đường dây nóng, dantri.com.vn
[3] Đường dây nóng Tổng cục đất đai tiếp nhận 445 ý kiến phản ánh, baotainguyenmoitruong