Dưới sự điều hành của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, 10 đại biểu đã tham gia phát biểu tại hội trường sáng nay. Ông Vũ Tiến Chiến, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã gây chú ý với tham luận về các giải pháp nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
Trong gần 5 năm (từ năm 2006 đến năm 2010), đã khởi tố 1.613 vụ án tham nhũng với 3.284 bị can; 8 vụ án trọng điểm được chỉ đạo xử lý nghiêm, bảo đảm các quy định của pháp luật; nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng mới được phát hiện, xử lý…Từ năm 2007 đến nay, Tổ chức minh bạch quốc tế xếp hạng Việt Nam năm sau tốt hơn năm trước: năm 2007 thứ 123/179; 2008 thứ 121/180; 2009 thứ 120/180 và năm 2010 thứ 116/178 quốc gia và vùng lãnh thổ
Tuy nhiên, ông Chiến cũng nhìn nhận giữa quyết tâm chính trị với hành động thực tiễn chống tham nhũng còn có khoảng cách đáng kể. Vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý còn thấp, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra. Tình trạng sa sút phẩm chất, nhũng nhiễu, gây phiền hà của một bộ phận cán bộ, công chức trong thi hành công vụ chậm được khắc phục; hiện tượng “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy tội”, “giàu nhanh”, “lên chức nhanh” chưa được quan tâm chỉ đạo làm rõ.
Sự yếu kém trong quản lý, điều hành, dẫn đến các sai phạm, gây thất thoát lớn tiền, tài sản của Nhà nước trong một số doanh nghiệp, trong đó có yếu tố vụ lợi; đã xuất hiện dấu hiệu sự liên kết, móc nối giữa chủ doanh nghiệp với một số người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Đảng và Nhà nước để tiêu cực, tham nhũng.
Chánh văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng cho rằng trong nhiệm kỳ tới cần thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc đẩy mạnh cải cách hành chính và hoàn thiện các quy định nhằm khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong quản lý, tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, như: quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, xây dựng cơ bản, quản lý thu, chi ngân sách, quản lý tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, công tác tổ chức, cán bộ…
"Công chức phải giải trình nguồn gốc tài sản khi có yêu cầu và biện pháp xử lý những hành vi làm giàu bất chính. Có chính sách khoan hồng mạnh mẽ hơn nữa đối với những trường hợp đưa hối lộ nhưng tự giác khai báo trước khi bị phát hiện. Hoàn thiện quy định xử lý tài sản tham nhũng", ông Chiến nêu quan điểm.
Giải pháp tiếp theo được đề cập là khẩn trương nghiên cứu áp dụng biện pháp kỹ thuật điều tra đặc biệt đối với tội tham nhũng; hình phạt phải đủ sức răn đe. Có hướng dẫn cụ thể để xử lý nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kiểm tra chặt chẽ việc cho bị cáo phạm tội tham nhũng được hưởng án treo và việc đặc xá cho phạm nhân phạm tội tham nhũng.
Ông Chiến đề nghị, trong tình hình tham nhũng đang diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, là một trong các vấn đề quan tâm bức xúc hàng đầu của toàn xã hội, Đoàn chủ tịch Đại hội bố trí thời gian để nhiều đại biểu phát biểu, trao đổi về công tác phòng chống tham nhũng tại hội trường.
“Tôi đề nghị Đại hội trong lựa chọn các Uỷ viên Trung ương kỳ này ngoài tiêu chuẩn chung cần coi trọng tiêu chuẩn: không tham nhũng, lãng phí và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Cần nhìn thẳng vào sự thật những biểu hiện “giàu nhanh”, “lên chức nhanh”, ông Chiến nói.
Theo ông, nếu giàu nhanh do làm giàu chính đáng, lên chức nhanh do tài năng là rất đáng trân trọng học tập; nhưng những biểu hiện giàu nhanh là do tiêu cực, tham nhũng, lên chức nhanh là do dùng tiền để “chạy chức”, “chạy quyền” thì phải làm rõ, lên án và nghiêm trị.
Tham luận về công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, đại biểu Trịnh Long Biên (Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương) cho biết, trong nhiệm kỳ qua, nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên về vị trí, vai trò kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng chưa đầy đủ. Số đảng viên bị thi hành kỷ luật không giảm, xử lý kỷ luật có trường hợp chưa nghiêm, chưa kịp thời, chưa đồng bộ.
Ông Biên đề cập tới sự suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Tình hình tham nhũng, lãng phí vẫn diễn biến phức tạp, vi phạm chưa giảm. Tính phê bình và phê bình trong không ít tổ chức đảng còn yếu. Một trong các nguyên nhân chủ yếu là do chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát trong đó có trách nhiệm của ủy ban kiểm tra các cấp.
Trong nhiệm kỳ đại hội X, trong tổng số đảng viên bị kỷ luật ở 3 cấp: số bị kỷ luật ở cấp trung ương do Ủy ban kiểm tra Trung ương xử lý chiếm 52,3%; ở cấp tỉnh thì do ủy ban kiểm tra xử lý chiếm 68,1%; ở cấp huyện, do ủy ban kiểm tra xử lý chiếm 64,3%.
Theo ông Biên nếu không phân cấp cho ủy ban kiểm tra xử lý kỷ luật, thì cấp ủy sẽ gặp khó khăn, vì tất cả cán bộ, đảng viên do cấp ủy quản lý đều phải báo cáo cấp ủy xem xét, xử lý kỷ luật, dẫn đến không đảm bảo tính kịp thời trong công tác kiểm tra. Mặt khác việc giao quyền xử lý kỷ luật đảng viên cho ủy ban kiểm tra để cấp ủy giành thời gian lo các công việc lớn trong Đảng.
Trong tham luận về xây dựng lực lượng công an, Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh báo cáo, trong năm qua đã bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị, các hội nghị quốc tế; đấu tranh làm thất bại diễn biến hòa bình, các thế lực chống đối.
Đại tướng dự báo, trong những năm tới cần cảnh giác hơn hơn với diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ, tham nhũng, suy thoái trong nội bộ, tranh chấp an ninh biên giới biển đảo, gia tăng tội phạm công nghệ cao, tội phạm về môi trường.
Hoàng Khuê