Thứ trưởng Lê Đình Thọ tham dự Hội nghị.
Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 đã nhận định: Công tác PCTN, lãng phí đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, tạo chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị, góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng, suy thoái trong Đảng.
Tuy nhiên,tình hình tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành. Tính có tổ chức của các vụ việc, vụ án tham nhũng ngày càng rõ nét hơn. Tham nhũng có tính “lợi ích nhóm” đã xuất hiện trong một số lĩnh vực. Tình trạng sách nhiễu, “tham nhũng vặt” trong khu vực công còn nhiều. Một số vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước. Tham nhũng, lãng phí đã làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong dư luận xã hội, là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết nhấn mạnh, phòng, chống tham nhũng, lãng phí là công việc khó khăn, phức tạp; là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa lâu dài liên quan đến sự phát triển bền vững của đất nước và sự tồn vong của chế độ.
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng vào sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Trong thời gian tới , đồng chí Trương Hòa Bình lưu ý các cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu cần thực hiện tốt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo quy định của Đảng và Nhà nước; trong đó cần kiểm soát chặt chẽ hơn việc xây dựng cơ chế, chính sách và pháp luật về quản lý kinh tế-xã hội để hạn chế sự tác động tiêu cực của “nhóm lợi ích.”
Các cấp, các ngành đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính nhằm xóa bỏ cơ chế "xin cho" - những điều kiện làm nảy sinh tham nhũng; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, trong đó cần đấu tranh chống lại xu hướng “lợi ích cục bộ,” “lợi ích nhóm.”
Các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, truy tố, xét xử, thi hành án để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo tinh thần "không có vùng cấm"; đồng thời xác minh, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật những vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện; nghiên cứu xây dựng mô hình chuyên trách phòng, chống tham nhũng…
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) với sự chỉ đạo quyết liệt của tập thể Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và sự nỗ lực tổ chức triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng của tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Giao thông vận tải, công tác PCTN của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã đạt được những kết quả quan trọng, có những chuyển biến tích cực đặc biệt trong giai đoạn 2011-2015 trên các mặt công tác: Xây dựng, hoàn thiện thể chế; công khai, minh bạch trong hoạt động; xây dựng, thực hiện tiêu chuẩn, chế độ, định mức; kiểm soát, nâng cao hiệu quả việc sử dụng tài sản công; cải cách hành chính; xã hội hóa đầu tư xây dựng, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…
Bộ Giao thông vận tải đã chủ động phát hiện và phòng ngừa 19 vụ việc sai phạm về kinh tế; thu hồi nhiều tỷ đồng nộp ngân sách nhà nước, xử lý nhiều tập thể và cá nhân có sai phạm; đặc biệt cách chức 03 người đứng đầu. Trong đó, có 01 Hiệu trưởng, 02 Giám đốc. Đảng ủy và UBKT Đảng bộ GTVT đã kiểm tra, giám sát được 1.133 tổ chức đảng, 11.827 đảng viên; kiểm tra 31 tổ chức đảng và 72 đảng viên có dấu hiệu vi phạm, đã xử lý kỷ luật 27 tổ chức đảng, 160 đảng viên. Trong đó, có 24 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng (khai trừ 11 đảng viên); Ban Chỉ đạo phối hợp phòng, chống tham nhũng của Bộ Giao thông vận tải hoạt động có hiệu quả góp phần quan trọng trong việc phát hiện, ngăn chặn tình hình tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực giao thông vận tải.
N.Q