Cục Đường thủy nội địa giải đáp một số nội dung "Hỏi đáp pháp luật" của người dân

Thứ năm, 04/06/2020 13:36
Trả lời chuyên mục “Hỏi đáp pháp luật” trên Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT, Cục Đường thủy nội địa vừa có văn bản giải đáp một số nội dung, cụ thể như sau:

Câu hỏi 1: Khu vực lòng hồ chứa nước Tả Trạch ở tỉnh Thừa Thiên Huế có được xem là tuyến giao thông đường thủy nội địa không ? và khu vực lòng hồ chứa nước Tả Trạch đã được cấp có thẩm quyền công bố đường thủy nội địa hay chưa ?

Trả lời: Theo Thông tư số 15/2016/TT-BGTVT ngày 30/6/2016 của Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý đường thủy nội địa, nội dung khoản 3 Điều 3 quy định: “Tuyến đường thủy nội địa là một hoặc nhiều luồng chạy tàu, thuyền trên sông, kênh, rạch, hồ, đầm, phá, vụng, vịnh, ven bờ biển ra đảo, nổi các đảo. Chiều dài tuyến đường thủy nội được xác định từ điểm đầu đến điểm cuối”. Vì vậy khu vực lòng hồ chứa nước Tả Trạch được xem là tuyến đường thủy nội địa. Hiện tại khu vực lòng hồ chứa nước Tả Trạch không nằm trong danh mục các tuyến đường thủy nội địa quốc gia.

Câu hỏi 2: Cảnh sát giao thông đường thủy nội địa có được kiểm tra phương tiện đang lưu thông trên địa phận tỉnh thành khác không?

Trả lời: Theo Thông tư số 62/2011/TT-BCA ngày 07/9/2011 của Bộ Công an quy định về hoạt động tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát đường thủy, Điều 6 quy định về phạm vi tuần tra, kiểm soát như sau: “Lực lượng Cảnh sát đường thủy tổ chức tuần tra, kiểm soát trên phạm vi các sông, kênh, rạch; luồng trên hồ, đầm, phá, vụng, vịnh, ven bờ biển, đường ra đảo, nối các đảo thuộc nội thủy của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có hoạt động của phương tiện thủy, kể cả luồng hàng hải có hoạt động của phương tiện thủy”.

Khoản 1 Điều 8 Thông tư số 62/2011/TT-BCA quy định cán bộ, chiến sỹ: “Được dừng phương tiện thủy nội địa, tàu cá, tàu biển hoạt động trên đường thủy nội địa (sau đây viết gọn là phương tiện) khi có căn cứ cho rằng phương tiện đó vi phạm quy định của pháp luật về an toàn giao thông, an ninh, trật tự hoặc chuyên chở người, vật gây nguy hại cho an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện, giấy tờ của thuyền viên, người lái phương tiện, giấy tờ tùy thân của người khác trên phương tiện đang kiểm soát, việc thực hiện các quy định về vận tải theo quy định của pháp luật".

Về địa bàn tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát đường thủy; Điều 12, Điều 13 Thông tư số 62/2011/TT-BCA quy định như sau:

“Điều 12. Địa bàn tuần tra, kiểm soát 

Địa bàn tuần tra, kiểm soát ở trung ương

a)    Tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường thủy nội địa trọng điểm bao gồm:

-    Cửa sông ven biển thuộc nội thủy;

-    Trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia có nhiều phức tạp về trật tự, an toàn giao thông, trật tự, an toàn xã hội hoặc liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

b)    Các địa bàn khác theo kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội, Cục Cảnh sát đường thủy.

2.    Địa bàn tuần tra, kiểm soát ở cấp tỉnh

a) Tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia, trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này;

b) Các địa bàn khác theo kế hoạch của Giám đốc Công an cấp tỉnh.

3.    Địa bàn tuần tra, kiểm soát ở cấp huyện

a)    Tuần tra, kiểm soát trên tuyến đường thủy nội địa địa phương thuộc phạm vi địa giói hành chính của cấp huyện;

b)    Tuần tra, kiểm soát trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia đi qua huyện theo kế hoạch của Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh.

Điều 13. Tổ chức tuần tra, kiểm soát trên đường thủy giáp ranh giữa các địa phương

1.    Trên địa bàn giáp ranh giữa các địa phương là dọc tuyến đường thủy, tại mỗi đoạn của tuyến trong phạm vi 15 km chỉ được bố trí một đơn vị của một địa phương tuần tra, kiểm soát; nếu tuyến có độ dài lớn, có thể bố trí nhiều đơn vị tuần tra, kiểm soát nhưng phải bảo đảm phạm vi tuần tra, kiểm soát đã nêu trên và thực hiện theo quy định dưới đây:

a)    Đối với tuyến đường thủy giáp ranh giữa các tỉnh thì Giám đốc Công an cấp tỉnh nơi có địa bàn giáp ranh thống nhất việc bố trí các đơn vị tuần tra, kiểm soát trên tuyến đó. Trường hợp không thống nhất được thì Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội quyết định.

b)    Đối với tuyến đường thủy là địa bàn giáp ranh giữa các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì việc tuần tra, kiểm soát do Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định.

2.    Việc kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy do đơn vị đang tuần tra, kiểm soát trên tuyến thực hiện. Các vụ việc vi phạm pháp luật khác xảy ra trên địa giới hành chính thuộc địa phương nào thì địa phương đó chịu trách nhiệm thụ lý, giải quyết. Đơn vị đang tuần tra, kiểm soát trên tuyến có trách nhiệm phát hiện, bảo vệ hiện trường, cấp cứu người bị nạn, lập hồ sơ ban đầu theo quy định của pháp luật và bàn giao cho địa phương nơi xảy ra vụ việc”.

Tuy nhiên, để trả lời chính xác hon về phạm vi thẩm quyền của Cảnh sát đường thủy, đề nghị Bộ Giao thông vận tải chuyển câu hỏi sang Bộ Công an nhằm bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các Ngành.

Câu hỏi 3. Em muốn học chứng chỉ lái đò ngang thì học ở đâu? liên hệ với ai ?

Trả lời: Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 14 Thông tư số 39/2019/TT-BGTVT ngày 15/10/2019 của Bộ Giao thông vận tải quy định trách nhiệm của chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện, đảm nhiệm chức danh thuyền viên và định biên an toàn tối thiếu trên phương tiện thủy nội địa; để điều điều khiển phương tiện chở khách ngang sông cỡ nhỏ theo Quy phạm giám sát kỹ thuật và đóng phương tiện thủy nội địa cỡ nhỏ, thuyền viên phải có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng hạng tư.

-    Điều kiện dự thi để dược cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng hạng tư, gồm:

+ Điều kiện chung theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 40/2019/TT- BGTYT ngày 15/10/2019 của Bộ GTVT quy định thi, kiểm tra, cấp, cấp lại, chuyển đổi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa (Thông tư số 40/2019/TT- BGTVT);

+ Điều kiện cụ thể theo quy định tại khoản 6 Điều 6 Thông tư số 40/2019/TT-BGTVTề

-    Tổ chức, cá nhân có nhu cầu liên hệ đăng ký với các cơ sở đào tạo. Danh sách cơ sở đào tạo trên toàn quốc được đăng tải trên cổng Thông tin điện tử cửa Cục Đường thủy nội địa Việt Nam theo đường link: http://viwa.gov.vn/giao- trinh-thuyen-vien.

 

Nguồn: Cổng TTĐT Bộ GTVT

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:278999
Lượt truy cập: 176.027.171