Đồng chí Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT Trần Văn Trường và Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra Nguyễn Tuấn Khanh đồng chủ trì cuộc họp. Cùng tham dự có đại diện các Vụ, Cục, Tổng cục, Tổng công ty, công ty doanh nghiệp (DN) trực thuộc Bộ GTVT.
Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT Trần Văn Trường (đứng phát biểu) và
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra Nguyễn Tuấn Khanh chủ trì cuộc họp
Phát biểu tại cuộc họp, TS. Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra cho biết: Nghị quyết số 97 NQ/CP ngày 2/10/2017 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 Khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giao nhiệm vụ cho TTCP chủ trì xây dựng Đề án.
Năm 2019, TTCP đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập giúp CP soạn thảo Đề án này. Hiện nay, đã khảo sát 6 tỉnh, thành phố; nghiên cứu, rà soát lại hệ thống pháp luật liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán đối với DNNN. Thêm phần thực tiễn để xây dựng nội dung dự thảo ĐA này, Viện đã tham mưu cho TTCP đi khảo sát, làm việc trực tiếp với 06 bộ, ngành quan trọng. Bộ GTVT được lựa chọn bởi Bộ GTVT quản lý nguồn lực, tài sản lớn; các DN trong ngành rất nhiều, trong đó có những DN 100% vốn nhà nước và DN có vốn NN chiếm cổ phần chi phối; có sự đa dạng về các loại hình tập trung ngành nghề (đường thủy, đường bộ, hàng không); các lĩnh vực hoạt động khác nhau với điều kiện kinh doanh khác nhau; phương thức kiểm soát khác nhau; quản lý con người, vốn tài sản cũng đa dạng.
Tại cuộc họp, Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT Trần Văn Trường đánh giá đây là cơ hội để các cơ quan, đơn vị DN trong ngành chia sẻ kinh nghiệm, thực trạng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán đối với DNNN trong lĩnh vực quản lý, những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề hiện nay cần cải tổ, hoàn thiện. Đồng chí đề nghị các đại biểu thẳng thắn đóng góp ý kiến; kiến nghị giải pháp, vấn đề cần thiết để Ban Soạn thảo, Tổ biên tập tiếp thu, nghiên cứu, đánh giá đầy đủ và hoàn chỉnh ĐA, cũng như tham mưu cho CP hoàn thiện cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với DNNN nói chung và tài sản của NN nói riêng.
Mục tiêu chung của ĐA nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong DNNN; bảo đảm việc quản lý, sử dụng có hiệu quả vốn, tài sản của nhà nước tại doanh nghiệp; góp phần nâng cao vai trò của DNNN trong phát triển kinh tế - xã hội.
ĐA được triển khai ở bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương các cấp và các DNNN. Các chủ thể, đối tượng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát DNNN và các chủ thể có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện ĐA này.
ĐA xác định rõ 05 mục tiêu cụ thể và tập trung vào 05 nhóm giải pháp: Hoàn thiện chính sách, pháp luật; Tăng cương trách nhiệm, sự phối hợp giữa các cơ quan NN có thẩm quyền; Nâng cao năng lực và đạo đức công vụ của các chủ thể có thẩm quyền kiểm soát DNNN; Thực hiện minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình trong kiểm soát DNNN; Tăng cường kiểm soát đối với hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát DNNN.
Đại diện Tổ biên tập trình bày tóm tắt những nội dung cụ thể của Đề án
Tại cuộc họp, đại diện Tổ biên tập đã trình bày tóm tắt những nội dung cụ thể của Đề án, đồng thời tiếp thu ý kiến của các đại biểu để tiếp tục hoàn thiện. Đã có 15 ý kiến tham luận, góp ý từ đại biểu. Trong đó tập trung các vấn đề: Xác định phạm vi, tên gọi của ĐA; bố cục, nội dung Tờ trình, Đề án; Chia sẻ thực tế tham mưu, quản lý; thực trạng hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra DNNN, kiểm toán trong thời gian qua; những thành công, ưu điểm, bất cập, hạn chế, nguyên nhân; Kiến nghị, đề xuất xây dựng chính sách, pháp luật và các biện pháp, giải pháp thực thi pháp luật nâng cao năng lực, hiệu quả giám sát, kiểm tra, thanh tra DNNN; nâng cao hiệu quả hoạt động DN, đồng thời phòng ngừa tiêu cực, thất thoát, lãng phí trong DNNN, góp phần bảo đảm, bảo vệ, nâng cao giá trị của DNNN, phát huy vai trò của các DNNN trong phát triển kinh tế-xã hội.
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra cho biết, Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập tiếp thu các ý kiến góp ý của các cơ quan bộ ngành, đơn vị DNNN để hoàn thiện nội dung dự thảo. Dự kiến Đề án sẽ được Chính phủ ban hành vào cuối năm 2020.
Vũ Hoa