Theo đó, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Văn bản số 10095/BGTVT-PC ngày 27/9/2021 về việc thực hiện trả lời câu hỏi trên Chuyên mục “Hỏi đáp pháp luật” và “Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp” trên Cổng TTĐT Bộ GTVT. Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông giải đáp các câu hỏi của người dân và doanh nghiệp như sau:
Câu hỏi (Stt 14): Xin chào Bộ GTVT, hôm nay tôi có câu hỏi như sau gửi Bộ GTVT: Tôi có nhu cầu mở 01 bến thủy nội địa để vận chuyển vật liệu xây dựng, mà theo Điều 4 Nghị định 08/2021/NĐ-CP quy định về quản lý đường thủy nội địa thì nguyên tắc xây dựng bến là bến phải nằm trong quy hoạch, trường hợp nằm ngoài hoặc chưa có quy hoạch thì phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Tuy nhiên theo tôi được biết thì thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cấp tỉnh là do Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong khi đó nhu cầu của tôi là cấp thiết. Vậy Bộ GTVT cho tôi được hỏi trường hợp của tôi có được mở bến thủy nội địa không?, xin nói thêm là trên địa bàn tỉnh Tây Ninh nơi tôi dự định mở bến thủy nội địa thì hiện vẫn chưa có quy hoạch chung về đường thủy nội địa. Rất mong nhận được câu trả lời của Bộ GTVT, tôi xin cảm ơn".
Trả lời: Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28/01/2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa thì việc đầu tư xây dựng luồng đường thủy nội địa, cảng, bến thủy nội địa (trừ bến thủy nội địa phục vụ thi công công trình chính), khu neo đậu phải phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa và quy hoạch khác có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
Theo quy định trên, bạn cần liên hệ với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh có chức năng tham mưu cho UBND tỉnh về quy hoạch để được hướng dẫn thực hiện theo quy định.
Câu hỏi (Stt 25): Xin chào Bộ Giao thông vận tải, hôm nay em có câu hỏi muốn nhờ Bộ Giao thông vận tải giải đáp như sau: Hiện tại theo quy định tại Nghị định 08/2021/NĐCP Quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa thì Bến thủy nội địa có phạm vi hoạt động bao gồm phạm vi vùng đất hoạt động bến và phạm vi vùng nước trước bến dùng để neo đậu phương tiện xếp dỡ hàng hóa. Tuy nhiên hiện tại có trường hợp bến thủy có phạm vi vùng đất có 02 tuyến đường thủy đi qua (01 tuyến rạch chính và 01 rạch chuyên dùng kết nối với rạch chính), 02 tuyến trên đều là tuyến ĐTNĐ địa phương do Sở GTVT quản lý, để thuận tiện cho quá trình xếp dỡ hàng hóa của bến thủy thì chủ khai thác bến tại vị trí nói trên có thể xin hoạt động trên 02 phạm vi vùng nước trước bến (01 vùng nước trên tuyến rạch chính và 01 vùng nước trên tuyến rạch chuyên dùng nối với rạch chính) được không ? Rất mong được sự giải đáp của Bộ Giao thông vận tải, xin chân thành cảm ơn !
Trả lời: Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 15 Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28/01/2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa thì Sở Giao thông vận tải thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng cảng thủy nội địa trên đường thủy nội địa địa phương, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương, cảng thủy nội địa trong vùng nước cảng biển nối với đường thủy nội địa địa phương và bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo quy định trên, bạn cần gửi hồ sơ thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng cảng thủy nội địa đến Sở Giao thông vận tải theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định số Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28/01/2021 của Chính phủ để được thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng cảng thủy nội địa (bao gồm cả vùng nước bến thủy nội địa).
Câu hỏi (Stt 37): Kính thưa quý Bộ! Hiện nay, tôi đang lập dự trù kinh phí cho công tác nạo vét luồng bến cảng nhập liệu cho nhà máy điện với biện pháp thi công dùng máy đào gầu dây và xà lan tự hành xả đáy! Tuy nhiên, khi áp dụng định mức tại Thông tư 10/2019/TT-BGTVT thì thành phần hao phí là: Máy đào gầu dây, sà lan công tác, sà lan vận chuyển và tàu kéo. Như thế sẽ không phù hợp với biện pháp. Mặt khác, tại Thông tư số 44/2018/TT-BGTVT ngày 03/8/2018 của Bộ Giao thông vận tải có định mức phù hợp hơn là "NV.10092: Nạo vét dưới nước bằng máy đào gầu dây ≤ 5m3, chiều sâu > 9m với thành phần hao phí máy là Sà lan công tác 400T, Sà lan tự hành mở đáy ≤ 400T; VC.10111 (VC.10121, VC.10122, VC.10123): Vận chuyển đất, cát đổ đi bằng Sà lan tự hành mở đáy ≤ 400T". Vậy xin hỏi tôi nên áp dụng định mức nào cho phù hợp với quy định và biện pháp thi công chủ đạo ạ! Trân trọng cảm ơn Quý Bộ!
Trả lời: Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 10/2019/TT-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng thì phạm vi áp dụng của Thông tư là đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xác định chi phí đầu tư xây dựng của các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách và dự án đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư (PPP); các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn khác có thể áp dụng định mức xây dựng ban hành tại Thông tư này để xác định chi phí đầu tư xây dựng làm căn cứ thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước.
Theo quy định tại mục I.1 Chương I Định mức kinh tế - kỹ thuật công tác nạo vét công trình hàng hải ban hành kèm theo Thông tư số 44/2018/TT-BGTVT ngày 03/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận thì định mức xây dựng để áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài liên quan đến hoạt động nạo vét, duy tu luồng hàng hải, khu nước, vùng nước trong vùng nước cảng biển.
Vì vậy, đề nghị bạn căn cứ đối tượng, phạm vi áp dụng quy định tại các Thông tư trên để áp dụng định mức tính toán dự trù kinh phí cho công tác nạo vét cho phù hợp./.